Theo Sky News, trong đơn khiếu nại được gửi đến Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ (FEC), chiến dịch tranh cử của ông Trump tuyên bố đã có "sự can thiệp" thông qua "các hình thức đóng góp bất hợp pháp trắng trợn của công dân nước ngoài do Công đảng Anh tiến hành" được "chấp nhận" bởi chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Harris.

Trích dẫn một ghi nhận từ báo Washington Post, đơn khiếu nại cho hay giới chức cấp cao của hai chính đảng đã có nhiều buổi gặp mặt riêng tư và trao đổi thông tin với nhau trước thềm ngày bầu cử ở Mỹ. "Các chiến lược gia có mối liên hệ với Công đảng Anh đã đưa ra lời khuyên cho bà Kamala Harris về cách giành lại sự ủng hộ của những cử tri bất mãn và thực hiện một chiến dịch giành chiến thắng từ phe trung tả", tờ báo có viết. 

Bên cạnh đó, đơn khiếu nại còn tiết lộ một bài đăng bị xóa được cho là của Sofia Patel - người đứng đầu bộ phận hoạt động của Công đảng Anh, trên mạng xã hội LinkedIn vào tuần trước. Bài đăng tuyên bố gần 100 quan chức của đảng này "đang trên đường vượt Đại Tây Dương" để vận động cho đảng Dân chủ Mỹ tại "10 đia điểm" rải rác ở các tiểu bang chiến địa trọng yếu trước ngày 5/11.

Ông Trump cáo buộc Anh "can thiệp trắng trợn" bẩu cử tổng thống Mỹ  第1张 Chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Trump cáo buộc Công đảng Anh "can thiệp trắng trợn" vào bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: The Conversation

"Không ở đâu xa, những ai muốn truy tìm sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử của chúng ta có thể phát hiện nó ngay tại bài đăng này trên LinkedIn", ông Gary Lawkowski - luật sư cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump, cho biết trong đơn khiếu nại. "Sự can thiệp đang diễn ra ngay trước mắt".

Ông Lawkowski cũng yêu cầu FEC mở cuộc điều tra ngay lập tức về vấn đề này. “Tuần qua đánh dấu kỷ niệm 243 năm ngày quân đội Anh đầu hàng trong trận Yorktown, một chiến thắng quân sự đảm bảo sự độc lập của Mỹ về mặt chính trị với Vương quốc Anh. Có vẻ như Công đảng Anh và chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Harris đã quên mất thông điệp này”, vị luật sư mỉa mai nói.

Phía Công đảng Anh và Phó Tổng thống Kamala Harris hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức trước cáo buộc trên.

Theo quy định của FEC, công dân nước ngoài vẫn được phép làm tình nguyện viên trong các kỳ bầu cử ở Mỹ, với điều kiện họ không được trả thù lao cho nhiệm vụ này.

Kênh BBC cũng cho biết việc trao đổi, hỗ trợ giữa giới chức các chính đảng ở Anh và Mỹ trong thời gian diễn ra các kỳ bầu cử cũng được xem là điều bình thường. Trước thời điểm các cáo buộc với bà Harris và Công đảng Anh được đưa ra, đảng Cộng hòa Mỹ và đảng Bảo thủ Anh được cho là cũng có giai đoạn tương trợ nhau trong các mùa bầu cử ở cả hai nước.