Ngày 23-10, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các địa phương điều chỉnh, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Duy, Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã thống nhất chủ trương thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước năm 2030 với nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha. Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp này.
Cùng với đó, nhiều dự án hạ tầng quan trọng quốc gia đã và đang được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nên cần phải bố trí bổ sung quỹ đất để đảm bảo mục tiêu đã được Quốc hội quyết định.
Sẽ trình điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và nghị định số 102, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu gồm điều chỉnh tám chỉ tiêu sử dụng đất. Qua đó, những chỉ tiêu này gồm nhóm đất nông nghiệp, trong đó có các loại đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; nhóm đất phi nông nghiệp, trong đó có các loại đất quốc phòng, an ninh.
Chính phủ nhấn mạnh việc tính toán, xác định tám chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này cần phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Chính phủ đề nghị đưa nội dung này vào thành nội dung tại nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8. Sau đó Chính phủ sẽ tổ chức lập, thẩm định, trình Quốc hội xem xét thông qua quy hoạch chi tiết vào kỳ họp cuối năm 2025.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia (dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam).
Song ủy ban này đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá toàn diện và làm rõ nguyên nhân nhiều chỉ tiêu sử dụng đất đang ở mức rất thấp, trong đó đất cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao chỉ đạt 2 - 5,5%. '
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng; rà soát kỹ nhu cầu sử dụng đất của địa phương và có phương án phân bổ phù hợp.
Việc lập, điều chỉnh quy hoạch cần bảo đảm các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất để phục vụ việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phạt tù tối đa người chưa thành niên phạm nhiều tội ra sao?
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Một trong những vấn đề mới được chỉnh lý là quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và thấy rằng quy định như Bộ luật Hình sự hiện hành về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng, nên cần sửa đổi để khắc phục sự thiếu công bằng. Về mức tổng hợp hình phạt chung, dự thảo đề xuất chỉnh lý theo hướng không quá 12 năm tù với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Mức tổng hợp hình phạt áp dụng thống nhất với mọi tội phạm chứ không chỉ áp dụng với năm tội như dự thảo trước là tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, tội sản xuất trái phép chất ma túy.
Quy định này, theo bà Nga, vừa bảo đảm phân hóa được chính sách xử lý giữa người chưa thành niên phạm một tội với người chưa thành niên phạm nhiều tội, vừa không tăng nặng trách nhiệm xử lý so với quy định của Bộ luật Hình sự. Song song đó khắc phục được bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự về tổng hợp hình phạt và không phát sinh những mâu thuẫn mới trong tổng hợp hình phạt.
Ngoài hình phạt tù có thời hạn, theo bà Nga, dự thảo luật tiếp tục kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự về ba loại hình phạt khác (gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ). Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội, đồng thời thể chế hóa nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về "giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ...".
Bà Nga cho biết thêm Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt trên để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Đề xuất đưa bảo vật quốc gia về Việt Nam bằng Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa
Cùng ngày, Quốc hội cũng đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đáng chú ý, về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, dự thảo luật quy định quỹ để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được.
Chẳng hạn như mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước... Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Hiện ngân sách nhà nước không hỗ trợ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất hoàn thiện theo hướng quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời bổ sung quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập quỹ ở địa phương.
Đăng thảo luận