Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nêu thực tế có những thuốc đã lưu hành ở Nhật, Mỹ, châu Âu được 5-6 năm nhưng Việt Nam vẫn 'phải chờ cấp visa'.

Đại biểu Quốc hội: Thuốc lưu hành ở Mỹ, châu Âu 5-6 năm nhưng vào Việt Nam vẫn 'phải chờ cấp visa'  第1张

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Ảnh: Media Quốc hội

Ngày 22-10, nêu ý kiến thảo luận về sửa Luật Dược tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đã đề cập đến vấn đề cấp visa cho thuốc hiện nay vẫn phải "xếp hàng cả năm".

"Như vậy người dân vẫn có thể bị thiệt, không hưởng được thành quả mới của khoa học", ông Hiếu nêu.

Cần quy định rõ ràng việc nhập thuốc đã được các nước công nhận

Theo ông Hiếu, nhiều nước khó hơn Việt Nam rất nhiều như Nhật, Mỹ, châu Âu đã có những "thuốc lưu hành 5-6 năm nhưng chúng ta vẫn phải chờ cấp visa".

Từ đó, ông nhấn mạnh cần có quy định rõ ràng trong việc nhập thuốc đã được các nước trên thế giới công nhận qua các nghiên cứu ứng dụng đại trà.

Như các FDA của Mỹ, Nhật, châu Âu cấp giấy phép và được bảo hiểm y tế của nước đó chi trả cho người dân sử dụng thì có thể tiến hành thủ tục rút gọn cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam.

  • Đại biểu Quốc hội: Thuốc lưu hành ở Mỹ, châu Âu 5-6 năm nhưng vào Việt Nam vẫn 'phải chờ cấp visa'  第2张

    Luật Dược sẽ quy định cụ thể việc bán thuốc theo phương thức thương mại điện tửĐỌC NGAY

"Ví dụ, trong hộ chiếu, chúng ta có visa vào Mỹ hay vào châu Âu thì khi đăng ký visa vào Đài Loan có thể cho làm online, không cần phải phỏng vấn, rất tiết kiệm thời gian và miễn phí. Cách này cũng nên áp dụng.

Hay một số nước đang phát triển đã dùng thuốc đó rồi, chúng ta có thể giúp các thuốc đó về Việt Nam sớm hơn, cũng như các phương pháp điều trị mới có thể ứng dụng cho Việt Nam", ông Hiếu nêu thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, liên quan đến thuốc hiếm mà chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam đã được nhắc đến trong kỳ họp trước, tuy nhiên chưa thấy dự thảo luật nhấn mạnh.

Ông dẫn ví dụ như thuốc đặc trị, thuốc giải độc, các thuốc dị nguyên để giải mẫn cảm... Những thuốc này rất quan trọng, có thể cứu sống người bệnh nhưng tỉ lệ sử dụng rất ít.

Trong khi chờ nhập, đăng ký lưu hành rất mất công và các hãng cũng không muốn vào với số lượng ít, không có lợi nhuận, do đó thường phải mua xách tay mang về.

Từ đó ông đề nghị cần có quy định về việc này và đưa vào dự luật định nghĩa thuốc chuyên khoa đặc thù trong một số trường hợp xử lý cụ thể.

Việc này để các bệnh viện có thể mua trực tiếp từ hãng nước ngoài hoặc Bộ Y tế có phương án mua tập trung cho cả trước, khi bệnh viện có nhu cầu thì nhận về từ Bộ Y tế.

Đại biểu Quốc hội: Thuốc lưu hành ở Mỹ, châu Âu 5-6 năm nhưng vào Việt Nam vẫn 'phải chờ cấp visa'  第3张

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Media Quốc hội

Thiếu quản lý khâu phân phối, nhà thuốc bán lẻ

Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng hiện vẫn rất thiếu những định hướng về quản lý các tầng, nấc trung gian, các công ty với hàng chục ngàn công ty phân phối dược và nhà thuốc bán lẻ.

Trong khi nhà thuốc bán lẻ tập trung ở những nơi dân cư đông chứ còn vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu vắng như trước đây.

"Tỉ lệ số công ty và số các nhà thuốc này tăng, trong khi chúng ta không có một phương thức nào, không có một giải pháp nào để có thể tăng cường quản lý.

Chúng ta muốn quản lý giá thuốc nhưng chúng ta không quy định được 1 viên thuốc đó được quyền qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, tỉ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu mà chỉ có trông cậy vào việc họ tự kê khai.

Giá đó không thể nào nói được, cho nên ở đây sẽ lặp lại trật tự cũ và sẽ rất khó khăn.

Khi chúng ta chưa định hướng quản lý được hệ thống phân phối này thì tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn có thể xảy ra", bà Lan nêu thêm.

Về số lượng đăng ký thuốc, theo bà Lan, hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, một con số vượt xa so với các quốc gia khác. Sự trùng lặp trong các số đăng ký thuốc trong nước diễn ra rất nhiều, dẫn đến việc quản lý khó khăn.

Bà đề nghị cần hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký trở nên minh bạch và chặt chẽ hơn, đồng thời yêu cầu bổ sung quy định này vào dự thảo luật.

"Hiện nay chuyện cấp số đăng ký tôi xin nhắc lại một lần nữa, tôi hết sức bức xúc khi cho tới giờ cấp số đăng ký vẫn chỉ trên hồ sơ và chuyện đó ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.

Chúng ta phải học tập các quốc gia khác trong việc hạn chế như thế nào bằng hàng rào kỹ thuật để có thể đến và kiểm tra ngay tại chỗ những quy trình sản xuất như thế nào", bà Lan nói.