Cách tiếp cận vấn đề trong Dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải được cho là bước tiến để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và bảo đảm chất lượng dịch vụ kiểm định xe cơ giới
Ngày 18-9, tại nhiều trung tâm đăng kiểm ở TP HCM như 50-03S (thuộc Sở Giao thông Vận tải - GTVT), 50-03V, 50-04V (cùng thuộc Cục Đăng kiểm)… không khí làm việc khá khẩn trương.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Tại những trung tâm trên, nhân viên làm việc chuyên nghiệp, hỗ trợ tận tình cho người dân và hoạt động kiểm tra, cấp giấy chứng nhận diễn ra nhanh chóng, hình ảnh này khác biệt rõ rệt so với trước đây. Không còn cảnh ô tô xếp hàng san sát, thời gian chờ đợi kéo dài.
Tín hiệu trên cho thấy nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu phiền toái cho người dân đã có kết quả.
Tìm giải pháp gỡ ùn tắc đăng kiểmĐỌC NGAY
Và để công tác đăng kiểm trở nên chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả hơn nữa, theo tìm hiểu, mới đây, Bộ GTVT có dự thảo Thông tư về quy định trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các cơ sở đăng kiểm. Văn bản này được kỳ vọng mở ra cánh cửa cải cách lớn.
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo là phân cấp quản lý. Theo đó, Bộ GTVT muốn trao quyền cho Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho các cơ sở đăng kiểm.
Trước đây, trách nhiệm này thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam. Việc chuyển giao quyền hạn như trên nhằm tạo sự phân quyền hợp lý, giảm bớt gánh nặng công việc cho cơ quan trung ương cũng như tận dụng sự am hiểu đặc thù địa phương của các Sở GTVT.
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ về công tác thanh tra và kiểm tra đột xuất. Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Sở GTVT là những đơn vị có trách nhiệm thực hiện kiểm tra đột xuất đối với cơ sở đăng kiểm.
Ba trường hợp cụ thể mà cơ sở đăng kiểm sẽ bị kiểm tra đột xuất bao gồm khi có phản ánh hoặc khiếu nại có căn cứ về việc vi phạm trong hoạt động kiểm định; khi có văn bản yêu cầu từ các cơ quan chức năng và khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định thông qua hệ thống giám sát và phân tích cơ sở dữ liệu.
Quy định này nhằm bảo đảm tính chính xác và minh bạch trong hoạt động của các cơ sở đăng kiểm, đồng thời tạo ra cơ chế để kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V, các hoạt động diễn ra khẩn trương, chuyên nghiệp. Ảnh: TRẦN THÁI
Thách thức cũng là cơ hội
Một điểm quan trọng nữa của dự thảo là quy trình kiểm tra và đánh giá lại kết quả kiểm định. Theo đó, khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng có thể chọn ngẫu nhiên phương tiện đã được kiểm định để thực hiện đánh giá lại, sau đó so sánh với kết quả trước đó. Quy trình này giúp bảo đảm rằng kết quả kiểm định luôn chính xác và phù hợp với thực tế...
Báo cáo sơ kết tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết cả nước hiện có 275/295 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định.
Một chuyên gia trong lĩnh vực GTVT nhận định rằng dự thảo Thông tư tạo ra khung pháp lý chắc hơn, giúp nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của hoạt động đăng kiểm, nhất là tại các đô thị đặc biệt như TP HCM. Sự phân cấp quản lý rõ ràng, quy định chặt chẽ về thanh tra, kiểm tra đột xuất và quy trình kiểm tra lại kết quả kiểm định sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ đăng kiểm trong khu vực.
Chung hướng đánh giá tích cực, theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại TP HCM, mặc dù các quy định mới trong dự thảo thông tư mang lại nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Điển hình như áp lực đối mặt với kiểm tra đột xuất nhiều hơn hay phải đầu tư thêm nguồn lực và thời gian.
Để đáp ứng tốt yêu cầu của quy định mới, theo vị này, các trung tâm đăng kiểm cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực chuyên môn và phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan chức năng.
Liên quan dự thảo quy định khoảng cách giữa các cơ sở đăng kiểm, anh Nguyễn Mạnh Cường (tài xế xe tải tại TP Thủ Đức) băn khoăn khoảng cách quy định có thể gây khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ, đặc biệt ở những khu vực xa trung tâm thành phố hoặc vùng sâu, vùng xa.
Hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm lãnh 19-25 năm tù
Theo tài xế, trong khi khoảng cách tối thiểu 5 km giữa các cơ sở đăng kiểm trong đô thị có thể hợp lý thì khoảng cách lên tới 15 km hoặc 30 km tại khu vực ngoài đô thị hoặc địa phương miền núi có thể làm tăng chi phí nhiên liệu và thời gian di chuyển của lái xe. Điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng quá tải ở những cơ sở đăng kiểm gần đô thị, gây ra thời gian chờ đợi lâu hơn và dịch vụ kém hiệu quả.
Anh Cường cho rằng các cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh khoảng cách dựa trên nhu cầu thực tế và mật độ phương tiện, đồng thời phân bổ các cơ sở đăng kiểm một cách linh hoạt hơn để bảo đảm tiện lợi và hiệu quả cho người dân.
Cần thời gian chuẩn bị nhiều khâu
Thông tin tới Báo Người Lao Động, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng việc phân quyền cho Sở GTVT kiểm tra đột xuất đối với cơ sở đăng kiểm là đúng, nhằm đưa hoạt động đăng kiểm vào nền nếp, phục vụ tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần có hướng dẫn rõ ràng về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị và ngân sách dành cho công tác này.
Theo Sở GTVT TP HCM, việc phân quyền kiểm tra giúp đưa hoạt động đăng kiểm vào nền nếp, phục vụ người dân tốt hơn. Ảnh: TRẦN THÁI
Về mặt quy định thì dự thảo thông tư đã có, về nhân sự thì hiện nay chuyên viên của sở không mấy người am hiểu và tập huấn về công tác kiểm tra đăng kiểm. Bên cạnh đó, ngân sách để đào tạo hoặc tuyển dụng nhân sự, đầu tư trang thiết bị lấy từ nguồn nào vẫn chưa rõ ràng.
"Muốn hoàn chỉnh tất cả các khâu chuẩn bị trên cần phải có thời gian nhất định, không thể giao quyền mà Sở GTVT thực hiện được ngay" - ông An cho hay.
Cũng theo ông An, muốn kiểm tra, giám sát hoạt động của trung tâm đăng kiểm thì trình độ chuyên môn cao hơn là yếu tố rất quan trọng...
Thu Hồng
Đăng thảo luận