Ngày 26/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã có ý kiến về việc giữ lại công trình biệt thự “nhà lầu ông Phủ” để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Quyết định giữ lại công trình biệt thự “nhà lầu ông Phủ” được đưa ra vào sáng 26/9 sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai có cuộc họp với các sở, ngành, nghe các đơn vị liên quan báo cáo, có ý kiến thảo luận.
Biệt thự cổ Nhà lầu ông Phủ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của ngôi biệt thự. Song song đó có giải pháp triển khai tuyến đường ven sông Đồng Nai theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Trước đó, HĐND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Ban cán sự Đảng UBND Đồng Nai nghiên cứu vấn đề liên quan đến “nhà lầu ông Phủ” để tính toán có phương án, giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, gắn với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc.
Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch (VH-TTDL) Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị về việc giữ lại căn nhà cổ 100 tuổi này.
Biệt thự Võ Hà Thanh (hay còn gọi là nhà lầu ông Phủ) được khởi công xây dựng từ năm 1922 khánh thành năm 1924, tọa lạc bên phía hữu ngạn sông Đồng Nai, thuộc KP5, phường Bửu Long, TP. Biên Hòa. Hiện trạng ngôi biệt thự đã xuống cấp do không được trùng tu, tôn tạo.
Từ năm 2016, ngành VH-TTDL nhận thấy một số giá trị về mặt kiến trúc của công trình này nên đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh nghiên cứu, đánh giá sơ bộ để bổ sung vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, sau đó được UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 23-3-2016 phê duyệt Danh mục thay đổi, bổ sung quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020 với tên gọi “Nhà lầu ông Phủ”, bằng nguồn vốn ngân sách.
Sau khi quyết định trên được phê duyệt, Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh đã nhiều lần đến, liên hệ gia đình sở hữu “nhà lầu ông Phủ” để phối hợp lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Tuy nhiên, chủ nhà (người thời điểm đó sinh sống tại đó, trực tiếp quản lý căn nhà nói trên) kiên quyết không đồng ý xếp hạng di tích.
Qua nắm bắt thông tin, ngành VH-TTDL được biết ngôi nhà cũng đang có sự tranh chấp quyền sử dụng/sở hữu giữa các thế hệ sau của người xây dựng ngôi nhà là ông Võ Hà Thanh.
Do không có sự đồng ý của chủ nhà khi tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di tích, Sở VH-TTDL đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh dừng thực hiện lập hồ sơ di tích và đưa ra khỏi danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích.
Năm 2023, khi Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa triển khai thi công công trình đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu, Sở VH-TTDL nhận được đơn của bà Đặng Thị Linh Phương (người trông giữ ngôi biệt thự hiện nay) đề nghị giữ lại ngôi biệt thự, Sở VH-TTDL đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa xem xét giải quyết.
Ngày 19/9, Sở VH-TTDL nhận được Giấy mời của Sở Xây dựng về việc khảo sát thực tế phạm vi giải tỏa công trình kiến trúc lâu đời khi triển khai thi công công trình đường ven sông Đồng Nai. Tại cuộc họp khảo sát, Sở VH-TTDL đã đánh giá hiện trạng và đề xuất với các đơn vị có liên quan thống nhất đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh nghiên cứu chỉ đạo các giải pháp gìn giữ, bảo tồn công trình kiến trúc biệt thự hiện hữu vì những giá trị vốn có của ngôi biệt thự Võ Hà Thanh.
Sở VH-TTDL đưa ra kiến nghị, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định giữ lại ngôi nhà cổ Võ Hà Thanh thì cần hết sức thận trọng trong công tác quản lý, khai thác giá trị ngôi nhà này. Bởi, thứ nhất đây là tài sản sở hữu cá nhân nên phải có sự thống nhất của đại diện hợp pháp ngôi nhà với các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nó.
Thứ hai, đánh giá thận trọng việc xếp hạng di tích này. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể tính toán phương án trưng mua, sau đó tiến hành tu bổ, tôn tạo toàn diện (vì hiện nay ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người dân, du khách thăm viếng) và đưa căn nhà trở thành một điểm du lịch hoặc thành bảo tàng nghề gốm, bảo tàng nghề đá... Theo đó, vừa bảo tồn được giá trị kiến trúc của ngôi nhà, vừa tránh được những rắc rối pháp lý có thể xảy ra trong việc khai thác giá trị của ngôi nhà này trong tương lai.
Biệt thự 100 tuổi trong phim 'Người đẹp Tây Đô' trước nguy cơ bị xóa sổ 23/09/2024 Biệt thự cổ 'nhà lầu ông Phủ' 100 tuổi ở Đồng Nai: Bảo tồn hay phá dỡ? 23/09/2024Văn hóa
Bông súng 'ma' nở rộ trắng cả cánh đồng
Văn hóa
PGS.TS Trần Trí Trắc qua đời
Văn hóa
Phía sau 45 cây trăm tuổi vừa được công nhận cây di sản Việt Nam
Văn hóa
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dâng hương tưởng nhớ 156 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh
Văn hóa
Đăng thảo luận