Khó khăn chồng chất nơi huyện biên giới
Với điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu thốn về trang thiết bị công nghệ và cơ sở vật chất, hơn 800 học sinh đang theo học tại hai trường THCS Đồng Khởi và Biên Giới gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với máy vi tính để phục vụ học tập.
Trường THCS Biên Giới chỉ cách biên giới Campuchia 5 km. Với điều kiện và vị trí địa lý đặc biệt, THCS Biên Giới là một trong những điểm trường khó khăn nhất của tỉnh Tây Ninh. Ông Võ Thanh Tân, Hiệu trưởng Trường THCS Biên Giới, chia sẻ: “Điều kiện học tập của các em học sinh nơi đây gặp rất nhiều khó khăn so với những địa phương khác. Chúng tôi thiếu hụt từ cơ sở vật chất cho đến trang thiết bị công nghệ.”
Trường hiện đang có 30 máy tính nhưng chỉ có 15 máy, sản xuất từ năm 2011, còn hoạt động, phục vụ cho 300 em học sinh. Các máy tính hầu hết đều gặp tình trạng khởi động chậm, thường xuyên bị đứng, treo máy trong quá trình các em sử dụng để học tập, nghiên cứu. Em Nguyễn Ngọc Y Bình, học sinh lớp 8B, trường THCS Biên Giới, cho biết: “Việc học tập của chúng em phần nào gặp hạn chế vì thường sẽ có 2 đến 3 bạn dùng chung một máy tính. Chúng em sẽ phải chờ đợi lâu để tới lượt mình sử dụng”.
Trường THCS Đồng Khởi cũng gặp phải trở ngại tương tự khi số lượng máy tính phục vụ nhu cầu học tập và số lượng học sinh sử dụng có sự chênh lệch lớn. Trường hiện có 23 máy tính phục vụ cho 538 em học sinh.
Một góc trường THCS Đồng Khởi, nơi 538 em học sinh tại Tây Ninh đang theo học.
Ông Nguyễn Đình Tường Huân, Hiệu trưởng trường THCS Đồng Khởi cho biết: “Các em học sinh tại Trường THCS Đồng Khởi gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và sử dụng máy tính. Trường hiện tại chỉ có một phòng máy tính, nhưng các máy tính này rất yếu, kết nối mạng chậm, khiến các em phải chờ đợi lâu khi học tập, nghiên cứu và tra cứu tài liệu. Chúng tôi đã cố gắng tìm nhiều giải pháp nhưng kinh phí có hạn”.
Nỗ lực nâng cao kiến thức và khả năng công nghệ thông tin
Trước thực trạng này, các đơn vị công và tư nhân vẫn đang nỗ lực để từng bước cải thiện khả năng tiếp cận và trau dồi kiến thức về công nghệ thông tin cho các em học sinh nói riêng và ngành giáo dục nói chung tại các địa phương vùng biên giới.
Vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Tây Ninh, cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai đã ký kết hợp tác triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho ngành Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị, trường học trên địa bàn. Mối quan hệ hợp tác này không chỉ giúp xây dựng mô hình giáo dục thông minh và phát triển xã hội số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mà còn tăng khả năng tiếp cận các kho tài nguyên số và chương trình đào tạo về công nghệ thông tin cho các em học sinh.
Các đơn vị tư nhân cũng góp sức trong hành trình nâng cao tri thức về công nghệ thông tin cho các em. Ngày 17/9 vừa qua, Keppel Việt Nam, phối hợp cùng báo Tiền Phong, đã tổ chức lễ bàn giao máy tính thuộc chương trình Bytes for Future – Cỗ máy tri thức - tại trường THCS Đồng Khởi và Biên Giới, thuộc tỉnh Tây Ninh, hướng đến mục tiêu trang bị những công cụ và kiến thức cần thiết để thế hệ tương lai hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên số hiện nay.
Ông Joseph Low (thứ tư từ phải sang), Chủ tịch, Khối Bất động sản, Keppel Việt Nam, Ông Lý Thành Tâm (thứ ba từ phải sang), Trưởng Cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TP. HCM cùng đại diện phòng Giáo dục Huyện Châu Thành và xã Đồng Khởi tại lễ trao tặng máy tính.
Thông qua Bytes for Future, Keppel đã trao tặng tổng cộng 80 máy tính và bốn máy điều hòa không khí nhằm nâng cao chất lượng và môi trường học tập cho hơn 800 em học sinh tại hai trường, đồng thời bổ sung thêm các đầu sách do nhân viên Keppel quyên góp cho hai thư viện của trường.
Ông Nguyễn Chí Trung, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, chia sẻ: “Bytes for Future không chỉ là hoạt động an sinh xã hội giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp các em học sinh và nhà trường có điều kiện học tập, giảng dạy tốt hơn mà còn thiết thực, góp phần cùng địa phương thúc đẩy phát triển giáo dục, kịp thời đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông trong năm học mới.”
Ông Nguyễn Đình Tường Huân, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi, đã bày tỏ lòng biết ơn: “Sự hỗ trợ của Keppel không chỉ cải thiện điều kiện học tập mà còn là nguồn động viên lớn, khích lệ tinh thần học tập của các em học sinh.”
Các em học sinh sử dụng máy tính do Keppel trao tặng tại chương trình Bytes for Future.
Cần có thêm những nỗ lực lâu dài
Những nỗ lực của Keppel là bước đầu trong hành trình dài để nâng cao chất lượng giáo dục công nghệ thông tin tại các khu vực biên giới khó khăn trong thời đại kỹ thuật số.
Thực tế cho thấy, sự thiếu thốn không chỉ tồn tại ở trang thiết bị mà còn ở cơ hội học tập và khả năng tiếp cận với nguồn tri thức của các em học sinh vùng biên giới so với các em ở thành phố lớn. Hơn hết, các trường học ở vùng biên giới cũng cần một chiến lược phát triển toàn diện, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường học tập, đến việc đào tạo giáo viên và hỗ trợ các em trong quá trình tiếp cận kiến thức mới. Điều này đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn không chỉ từ nhà trường, phụ huynh, các sở ngành mà còn từ cộng đồng và các doanh nghiệp tư nhân để đảm bảo rằng không một em học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
“Tại Keppel, chúng tôi tin rằng giáo dục là chìa khóa để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ mai sau. Thông qua 'Bytes for Future', Keppel hy vọng có thể nâng cao môi trường học tập của các em trong kỷ nguyên số, đặc biệt ở những khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn mở rộng chương trình để có thể đồng hành cùng nhiều trường học hơn nữa tại Việt Nam”, Ông Joseph Low, Chủ tịch, Khối Bất động sản, Keppel Việt Nam, nhấn mạnh.
Xem nhiềuGiáo dục
Khen thưởng cô giáo giúp hơn 200 học sinh tránh thảm họa sạt lở đất ở Mường Lát
Giáo dục
Cô giáo xin phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop gây bức xúc
Giáo dục
Miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí khi học thạc sĩ, tiến sĩ
Nhịp sống Thủ đô
Hội sách Hà Nội 'gom' 16.000 sách vở, đồ dùng gửi học sinh vùng lũ
Giáo dục
Đăng thảo luận