Những hình thêu ở buổi học cuối
Thảm họa sạt lở, lũ quét tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) đã cướp đi sinh mạng của 52 người, trong đó có 8 cháu bé đang học tại Trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh, cách khu vực sạt lở không xa. Với các giáo viên của trường, những ngày qua có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất trong đời làm nghề giáo của họ.
Cô giáo Hoàng Thị Nự bên cạnh kỷ vật của những học sinh đã qua đời trong vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ đó là lần từ biệt cuối cùng của cô và trò”, chị Hoàng Thị Nự, giáo viên Trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh, trầm ngâm. Hôm ấy là chiều 9/9. Sau giờ học, cháu N. (5 tuổi) nhờ chị Nự giúp thêu lại chiếc khăn có biểu tượng cờ đỏ sao vàng mà cháu rất thích. Trước đó, do đùa nghịch với bạn, N. vô tình làm những sợi chỉ đỏ trên lá cờ bị bung ra. Cháu N. bảo rằng cháu yêu đất nước Việt Nam lắm, ở nhà cháu cũng thường xuyên mặc áo cờ đỏ sao vàng.
Mang kim và chỉ ra, chị Nự vừa ngồi thêu, vừa ân cần hướng dẫn cháu cách thêu sao cho đúng. Cháu N. ngồi bên cạnh, mắt mở to, liên tục “dạ”, “vâng” sau mỗi lời cô nói. “Cháu bảo rằng tôi thêu giống hệt như mẹ cháu”, chị Nự bồi hồi. Khi mẹ đến đón, cháu N. còn tự hào khoe với mẹ chiếc khăn cô Nự vừa thêu giúp. Rồi như thường lệ, N. khoanh tay lễ phép chào cô trước khi leo lên yên xe của mẹ.
“Lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ nghĩ đó lời chào tạm biệt bình thường. Ngày nào cũng vậy, cô và trò ở bên cạnh nhau suốt từ 7h sáng tới 5h chiều, tối về nhà ngủ mấy tiếng rồi sáng hôm sau lại gặp, liên tục trong 9 tháng. Chẳng ai nghĩ đó sẽ là lần cuối được thấy nụ cười của N. Vậy mà chỉ sau một đêm thôi…”, chị Nự buồn bã kể.
Rồi chị lấy ra một chiếc khăn có thêu hình xe đạp màu đỏ. Đây là kỷ vật của cháu Q. (4 tuổi), một nạn nhân khác trong vụ sạt lở đất tại Làng Nủ. Hình xe đạp tượng trưng cho một ước mơ rất giản dị của Q.: Muốn mẹ mua cho một chiếc xe đạp để sau này, khi lên lớp 1, hai anh em Q. có thể tự đèo nhau đi học, không phải nhờ mẹ đèo đi nữa. Nhưng, sau đêm kinh hoàng ấy, cả Q. cùng mẹ và anh trai đều nằm lại dưới lớp lớp bùn, đất. Ước mơ nhỏ bé của Q. mãi mãi chỉ còn là một hình thêu trên tấm khăn…
Những kỷ vật bao gồm khăn thêu tay, bát ăn, cốc uống nước, dép nhựa…
“Nhìn những kỷ vật ấy mà cứ ngỡ như các cháu vẫn còn ở đây. Tôi vẫn nhớ như in giọng nói, tiếng cười, thói quen của từng cháu một. Nhưng…”, chị Nự xúc động.
“Tương lai của thôn nằm trong tay các con“
Chị Vũ Thị Tuyết Mai, Hiệu phó Trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh, chia sẻ, thời gian tới, giáo viên của trường sẽ gửi tất cả kỷ vật của các cháu bé đã qua đời cho gia đình và họ hàng lưu giữ. “Tất nhiên, tôi và những giáo viên khác rất buồn khi không được giữ kỷ vật của các cháu nữa. Nhưng theo tôi, đây là điều nên làm. Vì gia đình, họ hàng của các cháu còn đau đớn gấp nhiều lần mình”, chị Mai nói. Đó chỉ là những chiếc khăn tay, bát ăn, cốc uống nước, đôi dép…, nhưng chứa đựng biết bao kỷ niệm và ký ức về những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ.
Theo chị Tô Thị Minh Thu, Hiệu phó Trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh, sau vụ sạt lở, số học sinh của trường giảm từ 44 cháu xuống còn 36 cháu. Hiện công tác dạy và học chưa thể tiếp tục vì công tác cứu hộ tại Làng Nủ vẫn đang được triển khai. Việc xây dựng, tái thiết bản làng ở một địa điểm mới cũng đang được đẩy mạnh. Trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh và điểm trường Tiểu học số 1 xã Phúc Khánh (nằm bên cạnh) đang được sử dụng làm nơi tập kết hàng cứu trợ tạm thời. Vì công việc chung nên Trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh sẽ đón học sinh trở lại vào ngày 23/9.
“Hiện nay, xung quanh trường mầm non đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở. Phía sau trường là một dãy taluy lớn, đã có dấu hiệu đứt, gãy sau những đợt mưa lớn vừa qua. Vì vậy, chúng tôi có đề xuất chuyển ngôi trường tới một địa điểm khác để đảm bảo an toàn cho các cháu”, chị Mai cho biết. Xã Phúc Khánh đang dự định chọn nhà văn hoá thôn Làng Nủ làm địa điểm mới cho Trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh. Theo chị Mai, địa điểm này có vị trí cao, không gian rộng rãi và ít có nguy cơ sạt lở hơn, nên các giáo viên về cơ bản đã đồng thuận.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để truyền đạt kiến thức cho các con, giúp các con sau này sẽ trở thành những người bản lĩnh, dũng cảm, biết yêu thương và đoàn kết với mọi người. Tương lai của thôn Làng Nủ nằm trong tay của các con”, chị Nự chia sẻ.
Giữa những đau thương, mất mát, giáo viên vẫn tổ chức Trung thu cho học sinh của trường. Mấy cô trò ngồi quây quần trên hai tấm chiếu trải rộng, ở giữa là bánh, kẹo, sữa hộp, xúc xích.
Cuộc điện thoại đẫm nước mắt, thầy giáo Hà Nội nhận nuôi những đứa trẻ sống sót ở Làng Nủ 18/09/2024 Lũ ở Làng Nủ như một 'âm mưu bí mật' của thiên nhiên 18/09/2024 Câu view bất chấp từ nỗi đau Làng Nủ 17/09/2024 Việt Khôi Xem nhiềuGiáo dục
Quảng Ninh miễn phí 167 tỷ đồng học phí cho học sinh năm học 2024 - 2025
Giáo dục
Tranh cãi chuyện giải tán ban phụ huynh
Giáo dục
TPHCM: Phụ huynh bị 'vận động' đóng góp ít nhất 200.000 đồng làm đường
Giáo dục
10 trường đại học có doanh thu trên nghìn tỷ
Giáo dục
Đăng thảo luận