Để giải quyết ô nhiễm môi trường do chất thải và chất thải nhựa, cần biến chất thải thành nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng
Ngày 20-9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch".
12% lượng rác sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết đến nay, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân TP, sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, TP HCM đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. "Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận rằng tình trạng bỏ rác bừa bãi ra đường phố, kênh, rạch chưa được giải quyết một cách triệt để" - ông Cường nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM ô nhiễm chất thải nhựa đại dương được xem là vấn nạn toàn cầu, cần sự chung tay hành động của mỗi địa phương. Đối với vấn đề rác thải trên sông, kênh, rạch, thành phố triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn, bảo đảm 100% rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định, đặc biệt là đẩy mạnh phân loại chất thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Hòa An, cho biết thành phố có 101 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy bao gồm tuyến đường thủy nội địa và tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 910 km). Tuy nhiên, rác thải, lục bình, rong, cỏ xuất hiện nhiều trên các tuyến sông, kênh, rạch làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy và làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách, du lịch bằng đường thủy.
Từ năm 2019, TP HCM thực hiện công tác vớt rác, lục bình, rong, cỏ trên 5 tuyến đường thủy như: Tàu Hủ, Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công nghệ vớt thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động con người kết hợp với một số thiết bị. Tuy nhiên, với công nghệ vớt thủ công nên hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân vớt rác.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường, Bộ TN-MT, cho biết hiện nay cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn rác sinh hoạt/ngày, trong đó lượng rác sinh hoạt phát sinh tại TP HCM và Hà Nội chiếm gần 1/3 tổng lượng phát sinh của cả nước.
"Hiện nay, năng lực của chúng ta mới chỉ thu gom, vận chuyển, xử lý đạt tỉ lệ 88,34%, nghĩa là còn gần 12% tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày chưa được thu gom, xử lý. Đây chính là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán vào sông, kênh, rạch" - ông Trung nói.
Ông Nguyễn Trường Huynh, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường, cho biết thêm ở Việt Nam, 80% rác thải nhựa trên biển xuất phát từ đất liền, nghĩa là từ sinh hoạt của con người, 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển... Loại chất thải này chiếm 50%-80% lượng chất thải trên biển và ngày càng tăng lên trong tương lai gần.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Biến chất thải thành nguyên liệu
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Hòa An cho biết từ năm 2020, thành phố ứng dụng công nghệ hiện đại để tổ chức thực hiện thí điểm vớt rác trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương và sông Sài Gòn. "Việc này đem lại hiệu quả cao, nâng cao năng suất lao động, vớt được các mảng rác lớn, có kích thước cồng kềnh. Kết quả thực hiện vớt đạt trung bình 30 tấn rác/ngày" - ông An nói.
Ông Hồ Kiên Trung cho hay nhận thức được vấn đề cấp bách giải quyết ô nhiễm môi trường do chất thải và chất thải nhựa gây ra, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách, giải pháp quan trọng. Một trong những chính sách đó là biến chất thải thành nguồn tài nguyên, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng.
"Nhận thức của người dân về phân loại rác đã được tăng lên đáng kể, lượng chất thải nhựa thải vào môi trường, phát tán ra môi trường biển giảm đáng kể. Theo các báo cáo mới nhất của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam không còn nằm trong danh sách các quốc gia phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất thế giới" - ông Trung nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ việc triển khai hệ thống thu gom rác tại các sông ở TP Cần Thơ. Hiệu suất thu gom vẫn chưa đạt được mức công suất thiết kế do các yếu tố như điều kiện thủy văn phức tạp…
Chia sẻ thêm những bài học từ các dự án quốc tế, bà Charlotte de Jong, Quản lý Phát triển Khu vực châu Á của The Ocean Cleanup, cho biết công nghệ tiên tiến và hợp tác quốc tế đóng vai trò thiết yếu trong việc xử lý hiệu quả rác thải nhựa trên các con sông, đặc biệt tại những quốc gia có nguồn phát sinh chất thải nhựa lớn.
Các chuyên gia tham gia hội thảo đã kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý để duy trì và nhân rộng giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch tại nhiều địa phương khác. Đồng thời, khuyến nghị tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi xanh và đạt được mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam, nói bằng cách thu gom rác thải trên các sông, chúng ta đang trực tiếp ngăn chặn nhựa từ đất liền ra biển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thu gom rác thải ở các tuyến đường thủy là rất quan trọng.
"Tôi tin rằng việc cải thiện quản lý rác thải trong thành phố sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường. UNDP mong muốn tiếp tục hợp tác với TP HCM trong các dự án về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn và xây dựng các cơ sở thu hồi vật liệu" - ông Patrick Haverman nói.
Đăng thảo luận