(NLĐO) - Thứ mà NASA gọi là "Thú mỏ vịt" không phải là một con vật, nhưng có thể là gợi ý về nơi sự sống ngoài hành tinh trú ẩn.

Theo Live Science, NASA đã đưa ra phân tích mới liên quan đến một hình ảnh kỳ lạ về thứ gì đó như đang di chuyển bên trong lớp vỏ băng của Europa, thế giới ngoài hành tinh mà cơ quan này đang lên kế hoạch gửi tàu thám hiểm tới.

"Vật thể lạ" đó được đặt tên là Thú mỏ vịt, bởi nhìn từ bên trên trông y hệt đầu của một con thú mỏ vịt.

 NASA chụp được "Thú mỏ vịt" di chuyển ở thế giới ngoài hành tinh 第1张

Cấu trúc "Thú mỏ vịt" được đánh dấu bằng hình chữ nhật màu vàng, trong khi hình chữ nhật màu xanh là một rặng núi cũng có dấu vết cho thấy có thể là nơi nước từ đại dương ngầm xì ra - Ảnh: NASA

Europa là một trong các mặt lớn của Sao Mộc mà NASA tin tưởng rằng có thể ẩn chứa sự sống.

Nhỏ hơn một chút so với vệ tinh mang tên Mặt Trăng của Trái Đất, nhưng Europa giống một hành tinh hơn. Nó có từ trường, bầu không khí chứa oxy loãng và lõi sắt lỏng. Nó cũng được cho là có lớp vỏ băng giá dày 18 km che giấu một đại dương mặn bên dưới.

Liệu đại dương mặn đó có sủi bọt xuyên qua băng không? Câu trả lời có thể nằm trong hình ảnh thú vị về "Thú mỏ vịt".

"Thú mỏ vịt" là biệt danh của một khu vực có kích thước khoảng 37x67 km, chứa đựng địa hình hỗn loạn bao gồm các gò, rặng núi, khối băng và vật liệu màu nâu đỏ sẫm.

Đây là đặc điểm trẻ nhất trong khu vực được chụp ảnh. Phân tích mới của NASA cho rằng đó rất có thể là nơi lớp vỏ băng của Europa cho phép các túi nước mặn từ đại dương ngầm của mặt trăng chảy vào hồ trên bề mặt.