Bài 1: Phố thị thành sông
Những ngày cao điểm mưa lũ hồi đầu tháng 9/2024, tại quảng trường trung tâm thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), nước ngập sâu cả mét. Nhiều tuyến phố kinh doanh sầm uất nước dâng ngập gần như hết tầng 1, người dân mất trắng tài sản nhiều năm tích góp.
Ngập lụt vượt quá dự đoán
Nằm ven sông Lô, thành phố Tuyên Quang vốn yên bình, xinh đẹp. Gần giữa tháng 9/2024, người dân thành phố đang náo nức chuẩn bị Lễ hội thành Tuyên - lễ hội đặc trưng dịp Trung thu hằng năm. Nhiều mô hình đèn lồng khổng lồ đã được các tổ dân phố chuẩn bị sẵn sàng cho mùa lễ hội.
Thế rồi, bão YAGI đổ bộ đất liền, kéo theo những ngày mưa lớn. Nước sông Lô dâng cao, nhiều khu vực ở thành phố Tuyên Quang ngập sâu trong nước. Khu vực quảng trường thành phố Tuyên Quang ngập sâu. Nước tràn vào nhà dân, làm hư hỏng nhiều đồ đạc. Đường Nguyễn Trãi, đường Bình Thuận… và nhiều tuyến đường khác bị ngập sâu hàng mét.
“Chúng tôi cứ nghĩ nước dâng vừa phải, không ngờ vượt quá dự đoán”, anh Phạm Thành Trung (260 Nguyễn Trãi) cho biết. Nhà anh Trung có hai cửa hàng sửa chữa xe điện bị nước, bùn tràn vào làm hư hại tài sản trị giá vài trăm triệu đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, thời điểm đó, hầu như toàn bộ nhà dân ở hai bên đường Nguyễn Trãi đều bị thiệt hại nặng. Bùn đất theo dòng nước lũ tràn khắp nhà, len lỏi vào mọi ngóc ngách.
Trên đường Bình Thuận, nhiều hộ kinh doanh bị hư hỏng gần như toàn bộ tài sản. Một chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất than thở: “Toàn bộ cửa hàng ngập nước, không giữ được cái gì”. Cạnh đó, nhiều tủ lạnh, máy giặt, điều hoà của cửa hàng điện máy cũng hư hỏng nặng do bị ngập nước.
“Cửa hàng vừa bán sản phẩm, vừa làm đại lý bảo hành cho các nhãn hàng. Thiệt hại rất lớn”, chủ cửa hàng nói với phóng viên Tiền Phong.
Nhiều khu dân cư ở TP Thái Nguyên bị ngập sâu trong mưa lũ hồi tháng 9/2024. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Cùng thời điểm đó, tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), nhiều khu phố, tổ dân cư ven sông Cầu cũng bị ngập nặng. Phố Dương Tự Minh có đoạn bị ngập sâu cả mét.
Cơ quan chức năng tận dụng khu vực này làm nơi tập kết phương tiện, lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn người dân mắc kẹt ở các địa bàn lân cận. Nước ngập sâu tới mức xuồng máy chở cả chục người vẫn có thể đi trên dòng nước - trước đây là đường giao thông quan trọng của thành phố.
Thời điểm đó, theo thống kê, có 17 xã, phường của thành phố nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập, có nơi ngập đến nóc nhà. Nước sông Cầu chảy xiết, dâng cao, vượt qua nhiều tuyến đường chảy vào nội đô. Lực lượng quân đội, công an, chính quyền không quản ngày đêm, thậm chí làm xuyên đêm để tham gia cứu hộ, cứu trợ người dân.
GS.TS Phạm Ngọc Quý, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi, cho rằng, quy hoạch thoát nước bề mặt ở các đô thị, thành phố hiện không theo kịp tốc độ đô thị hoá. Nước mưa đổ xuống dồn dập không kịp thoát ra khỏi đô thị. Hơn nữa, trên các dòng sông, ngoài tình trạng bị lấn chiếm hai bên ven sông, còn tình trạng nuôi cá lồng bè, xây dựng công trình dân dụng… “Có yếu tố chủ quan của con người trong bối cảnh biến đổi thời tiết cực đoan như hiện nay”, ông Quý nói.
Đỉnh điểm lũ trên sông Cầu đạt mức cao nhất là 28,9m, cao hơn 1,9m so với báo động 3. Ngoài một số khu vực ở TP Thái Nguyên, nhiều khu vực trũng thấp, vùng ven sông Cầu tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên cũng bị ngập lụt.
Sống trong lo lắng
Tại Hà Nội, trong đợt mưa lũ sau bão số 3, mực nước trên nhiều sông tại Hà Nội đã vượt mức báo động 3, như sông Tích, sông Bùi… Còn tại sông Hồng, ngày 11/9, mực nước đạt 11,22m (dưới mức báo động 3 là 28cm) đã gây ngập khu vực ngoài đê của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình... Trong đợt mưa lũ ấy, căn nhà nhỏ của gia đình bà Đinh Thị Khanh (73 tuổi, số nhà 66B Tân Ấp, phường Phúc Xá) cách lòng sông Hồng chừng 20m bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nước sông dâng cao, căn nhà nhỏ bị ngập khoảng 1m. Con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà nước ngập sâu hơn, người dân muốn di chuyển phải dùng thuyền. Tại khu vực ven sông, lực lượng quân đội, công an, dân phòng tập trung rất đông thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn.
Bà Khanh kể, khoảng 21h đêm, gia đình bà nhận được thông báo phải di dời. Lúc ấy, nước ở trong ngõ đã ngập đến đùi, bà gọi xe ôm nhưng không được nên phải gọi điện nhờ người nhà từ nơi khác đến hỗ trợ. Sau đó, bà được lực lượng chức năng di chuyển bằng xuồng ra đầu ngõ, từ đó đi xe quân sự chở ra cửa khẩu rồi lên xe người nhà đưa đến nơi tạm trú.
“Đêm đầu tiên, tôi không ngủ được vì lo ngại căn nhà cấp 4 đổ sập, một phần vì hơn 30 năm qua sống tại khu vực này mới thấy nước sông dâng cao như vậy. Tôi chỉ mong muốn thành phố đảm bảo an toàn cho dân vùng ven sông Hồng”, bà Khanh nói.
Tương tự, căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi, khu Tân Ấp, phường Phúc Xá) nằm ven sông Hồng cũng ở trong diện nguy hiểm. Nước ngập vào nhà gần 1m, dù nền nhà của ông khá cao. Hiện nay, trên tường nhà ông Hùng chằng chịt vết nứt.
Theo lãnh đạo UBND quận Ba Đình, quận đã huy động lực lượng túc trực 24/24 sẵn sàng triển khai các biện pháp cấp bách đề phòng lũ dâng cao đột ngột trong đê. Quận đã sẵn sàng phương án hoành triệt tại cửa khẩu Tân Ấp và cửa khẩu chợ Long Biên thuộc đê hữu Hồng. Tình huống đặt ra là khi mực nước sông Hồng đạt mức báo động III, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận sẽ huy động lực lượng phương tiện chuyên dụng để hàn, đóng các cửa khẩu Tân Ấp và Long Biên để chặn nước.
Xem nhiềuXã hội
Điều động, bổ nhiệm nhân sự mới ở 3 tỉnh
Xã hội
Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình
Xã hội
Miền Trung tiếp tục mưa lớn
Nhịp sống Thủ đô
Tận thấy bãi tập kết cây đổ do bão YAGI chờ ngày đấu giá
Xã hội
Đăng thảo luận