Công tác quản lý trật tự xây dựng tại TP HCM thời gian qua được đánh giá đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, việc trước mắt là gỡ nhiều điểm nghẽn để tối ưu hơn nữa
Ngày 25-9, Thường trực HĐND TP HCM giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM đối với Sở Xây dựng.
Kết quả khả quan
Thông tin từ buổi giám sát cho hay từ năm 2021 đến tháng 6-2024, tổng số trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra sở là 78 trường hợp, tổng số tiền xử phạt thu được gần 5,5 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 97,6%); đã có 63/78 trường hợp thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Với thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND TP HCM, tổng số trường hợp vi phạm hành chính là 13 trường hợp, tổng số tiền xử phạt thu được hơn 1,8 tỉ đồng (tỉ lệ 94,4%) và 5/13 trường hợp đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Sở Xây dựng đánh giá tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng là sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 23/2019 của Thành ủy TP HCM liên quan nội dung trên, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, tỉ lệ giảm là 80,2% so với trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23/2019.
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Thành Kiên, cần tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền về việc cắt dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng
Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Thành Kiên cho rằng công tác quản lý trật tự xây dựng còn nhiều điểm cần tập trung thực hiện, trong đó có công tác phối hợp giữa các lực lượng. Ông lưu ý cần cố gắng giảm đến mức thấp nhất số vụ vi phạm.
Về tồn tại, hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng, đáng chú ý là công tác tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn phát sinh một số vướng mắc.
Trong đó, Sở Xây dựng cho rằng áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước mang lại hiệu quả trong ngăn chặn ngay từ đầu việc chủ đầu tư cố tình tiếp tục thi công công trình, phần công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, hiện không có cơ sở pháp lý để thực hiện điều trên. Vì vậy, sở đề xuất UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ cho phép UBND các cấp yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ.
Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn
Tại buổi giám sát, đại biểu HĐND TP HCM đặt nhiều vấn đề sát sườn với công tác quản lý trật tự xây dựng như xử lý các trường hợp vi phạm hành chính còn tồn đọng hay công tác phối hợp trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng giữa các lực lượng…
Đại biểu HĐND TP HCM cũng đề nghị đưa ra giải pháp bảo đảm quyền lợi người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình. Điển hình là giải quyết những bất cập tại Quyết định 56/2021 về quy chế quản lý kiến trúc TP HCM; xây dựng nhà ở tại khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, khu vực quy hoạch đất hỗn hợp có chức năng đất ở…
Ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, phản hồi nhiều vấn đề, trong đó, đối với các công trình nhỏ hơn giấy phép xây dựng thì không còn vướng nữa. "Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường thống nhất với nhau không xử lý để giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người dân" - ông Nam nói.
Nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại quận Bình Tân, TP HCM vừa bị xử lý, buộc tháo dỡ
Liên quan tới vướng mắc cấp phép xây dựng đối với đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thông tin thời gian tới nội dung này sẽ cơ bản được giải quyết.
Theo ông Kiên, căn cứ theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt thì các quận, huyện rà soát lại quy hoạch phân khu trên địa bàn, trong đó xác định cụ thể chức năng sử dụng đất phù hợp, tránh trường hợp gây khó khăn khi cấp phép xây dựng ở khu vực quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới.
Đăng thảo luận