16 họa sĩ tôn vinh di sản Việt Nam qua triển lãm "Ngày xửa ngày xưa"

(Dân trí) - 16 nghệ sĩ của dự án "Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại" sẽ tổ chức triển lãm "Ngày xửa ngày xưa" để tôn vinh di sản, văn hóa Việt Nam.

Mới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhóm nghệ sĩ Heritage And Art (H&A) thuộc dự án Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại vừa có buổi chia sẻ về triển lãm đầu tiên Ngày xửa ngày xưa.

16 họa sĩ tôn vinh di sản Việt Nam qua triển lãm "Ngày xửa ngày xưa"  第1张

Các họa sĩ trong buổi chia sẻ đầu tiên về triển lãm "Ngày xửa ngày xưa" (Ảnh: Khiếu Minh).

Triển lãm gồm 39 tác phẩm thuộc các lĩnh vực, hội họa, đồ họa và điêu khắc với chất liệu đa dạng như: kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài… đây đều là những họa sĩ đam mê nghiên cứu văn hóa mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia. 

Họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) - người khởi xướng nhóm H&A cho biết, dự án Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn Nghệ sĩ đương đại được thành lập với mong muốn kế thừa, gìn giữ, phát triển và quảng bá di sản văn hóa Việt. Theo đó, các nghệ sĩ trong nhóm đã có những chuyến đi điền dã lấy tư liệu, những chuyến đi trực họa (là cách tiếp xúc trực tiếp với đề tài, nhân vật hoặc phong cảnh mình chọn), những cuộc gặp gỡ các nhân vật có liên quan để tìm hiểu sâu rộng hơn về giá trị của di sản văn hóa Việt.

Từ đó nghiên cứu, xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đương đại, hướng đến thực hiện và giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật các cuộc triển lãm nghệ thuật.

"Ngày xửa ngày xưa… không chỉ là lời mở đầu cho muôn vàn câu chuyện cổ tích thời ấu thơ, mà còn là mở đầu cho câu chuyện di sản mà chúng tôi muốn kể bằng ngôn ngữ hội họa.

Trong câu chuyện ấy, không chỉ có các hình ảnh là họa tiết và hoa văn mỹ thuật cổ, không chỉ có các nhân vật của nghệ thuật múa rối nước, các hình ảnh của chạm khắc đình làng, tranh dân gian… mà còn là tầng lớp của bề dày lịch sử và những giá trị của di sản văn hóa Việt được kể qua góc nhìn mang hơi thở của những nghệ sĩ đương đại", họa sĩ Minh Phố nói.

Đồng hành và ủng hộ dự án của nhóm nghệ sĩ H&A, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam - bày tỏ: "Người Việt mới, người trẻ mới bây giờ lại vẫn nhớ chuyện "ngày xửa, ngày xưa" với nét đẹp Việt, văn hóa Việt, tâm hồn Việt, di sản Việt. Họ đã làm cho người đi trước, người của ngày hôm qua phải thảng thốt, phải giật mình rằng, mình có bao giờ lãng quên nét cũ, duyên xưa của di sản?

Sự đánh thức, sự lay động, sự mách bảo của "ngày xửa, ngày xưa" đã cho những người trẻ mới của thế kỷ này lật những trang mới tinh cho lộ trình đẹp đẽ, sáng sủa của thế hệ mình".

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết, ngay khi biết các nghệ sĩ làm triển lãm để tôn vinh di sản, văn hóa Việt Nam, ông ủng hộ ngay.

"Việc dùng hội họa đương đại để lưu giữ di sản là ý tưởng tuyệt vời. Bảo tàng sẽ nghiên cứu những tiêu chí cụ thể để có thể lựa chọn mua các tác phẩm để trưng bày.

Rất tiếc với triển lãm này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã hết chỗ nhưng nếu dự án này có thể triển khai được "dài hơi", tôi khẳng định sẽ hỗ trợ miễn phí nhóm trưng bày tác phẩm trong các năm tới. Các họa sĩ tham gia triển lãm Ngày xửa ngày xưa đều rất tài năng...", ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ.

Ông Phùng Quang Việt, đại diện Thảo Nguyên Art, cũng chia sẻ: "Ngay từ đầu khi quyết định làm các dự án nghệ thuật, Thảo nguyên đã lựa chọn sự hoài niệm về một không gian Pháp cổ trong lòng Đà lạt. Không những thế, Thảo nguyên muốn tìm hiểu quá khứ, văn hóa, sự giao thoa trong con mắt của các nghệ sĩ đương đại. Đó cũng là điểm tương đồng của Thảo Nguyên và nhóm nghệ sĩ H&A trong dự án này.

Với mong muốn lưu giữ, nhìn lại và quảng bá lịch sử, văn hóa của dân tộc thông qua hội họa, Thảo Nguyên mong muốn tìm kiếm, kết nối, hỗ trợ các nghệ sĩ tài năng có cùng mong muốn đồng hành để triển khai các dự án với ý tưởng đưa di sản văn hóa Việt phổ biến trong nhân dân và bạn bè quốc tế, tiếp cận ở chiều sâu của nghệ thuật - hội họa, điêu khắc...".

Ông Minh nói thêm, vẽ về di sản qua cái nhìn đương đại là cách sáng tác rất hay. Bởi đó là sự sáng tạo mới mẻ của những họa sĩ trẻ, dù nói về di sản nhưng không cũ kỹ và không được "lệch chuẩn".

16 họa sĩ tôn vinh di sản Việt Nam qua triển lãm "Ngày xửa ngày xưa"  第2张

Triển lãm "Ngày xửa ngày xưa" sẽ khai mạc lúc 17h30 ngày 23/8 (Ảnh: Ban Tổ chức).

Họa sĩ Minh Phố chia sẻ thêm, 16 họa sĩ tham gia triển lãm đều là những người rất yêu văn hóa và di sản Việt Nam vì thế tác phẩm của họ đều mang tinh thần gìn giữ và kết nối các thế hệ với nhau.

"Nếu mình là người Việt mà không sáng tạo nghệ thuật từ văn hóa, di sản thì thật là thiếu sót. Nếu đi ra thế giới, bạn hòa nhập với các nghệ sĩ quốc tế mà không có bản sắc của mình thì sẽ bị "hòa tan" lúc nào không hay", họa sĩ Minh Phố thẳng thắn nói.

Triển lãm tranh Ngày xửa ngày xưa khai mạc lúc 17h30 ngày 23/8 và kéo dài đến hết ngày 27/8 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.