Cùng với những bài học cảnh tỉnh đang có, điều quan trọng là thiết lập được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, để “không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng".

Đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát”

Từ những vụ việc vi phạm trong những năm qua cho thấy, một khi cán bộ được đặt vào vị trí có nhiều quyền lực, nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ dễ dẫn tới có các hành vi lạm quyền, tham ô, tham nhũng… và đáng lo ngại hơn là không ít trường hợp đã trượt dài vào lối sống suy thoái, biến chất...

Những kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng liên tục chỉ ra những cán bộ chủ chốt ở các cấp, kể cả cấp T.Ư suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Không ít cán bộ, đảng viên đã lợi dụng quyền hạn của mình để vun vén cá nhân, lạm quyền, thu lợi bất chính, thậm chí để vợ, chồng, con cái, người thân nhúng tay, can thiệp, điều hành “ghế” quyền lực của mình.

Bài 2: Kiến tạo nền tảng văn hóa liêm chính  第1张 Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc với Thành ủy Hà Nội về thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 15/4-2024 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành về Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính. Ảnh: Phạm Hùng

Để đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát”, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, nhiều văn bản nghị quyết, chỉ thị trong công tác xây dựng Đảng đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và triển khai, trong đó đặc biệt đã chỉ ra những biểu hiện, hành vi tha hóa, biến chất, xa rời lý tưởng cộng sản của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cũng tập trung xây dựng thể chế để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, góp phần quản lý xã hội hiệu quả, ngày càng minh bạch, văn minh.

Có thể nói, chưa bao giờ, Đảng, Nhà nước lại quan tâm tới công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật như những năm gần đây. Chỉ tính riêng từ sau Đại hội XIII đến nay, đã có hàng loạt các quy định về công tác cán bộ được triển khai như: Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành T.Ư về "những điều đảng viên không được làm"; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị…

 

Bộ Chính trị đã có các quy định về việc “kiểm soát quyền lực” trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công tác cán bộ, điều này khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những hạn chế trong công việc "gốc" của Đảng, những nhức nhối tồn tại suốt nhiều năm trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, vẫn cần có cơ chế sâu hơn nữa, bởi chúng ta giao quyền lực và nguồn lực cho cán bộ nhưng không giám sát, sẽ không thể phòng, chống tham nhũng triệt để được. Vì quyền lực không giám sát thì tha hóa, đó là quy luật muôn đời.
PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu
chiến lược, Bộ Công an

Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Chính trị đã liên tiếp ban hành 3 quy định về kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực: Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đây đều là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Những quy định này ra đời đã tạo ra "lồng cơ chế" hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng lạm quyền, lộng quyền vốn dĩ đã và đang gây ra nhiều lo lắng cho xã hội.

PGS.TS Lê Văn Cường (Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã nhận định, lần đầu tiên chúng ta ban hành và thực hiện một cách đồng bộ về mặt thể chế quyết liệt như vậy, tức là 3 vấn đề trọng tâm, nhạy cảm, phức tạp này đã được chỉ mặt, điểm tên và ban hành quy định. Đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị rất cao đúng theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và chọn đúng các lĩnh vực mà cử tri, đảng viên và Nhân dân đang quan tâm.

Đề cao tự trọng, văn hóa công vụ

Một trong những điểm mới và cũng là điểm đột phá trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức là việc kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý, phụ trách, trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ, nghỉ công tác. Theo Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Hữu Đông, từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện T.Ư quản lý.

Tính từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay đã có 32 cán bộ diện T.Ư quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác, trong đó, có 7 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 10 Ủy viên T.Ư Đảng. “Việc này thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, đưa việc “có lên có xuống, có vào có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ, tạo bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” - ông Nguyễn Hữu Đông thông tin.

Phải nói rằng, từ trước đến nay rất hiếm lãnh đạo xin từ chức, cho dù để xảy ra vi phạm tại các đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền… Chỉ khi phát hiện ra sai phạm, bị xử lý thì họ mới “buộc” phải nghỉ việc. Vì thế, đến lúc nên coi từ chức là văn hóa, là sự tự trọng của người cán bộ đảng viên. Việc cán bộ cấp cao từ chức nếu trở thành bình thường sẽ giúp triệt tiêu tư tưởng “làm quan” là "ăn trên, ngồi trốc" mà trở về đúng vị trí là “đầy tớ của dân”.

Thực tế miễn nhiệm, từ chức cũng không phải là phạm trù mới, bởi đã được thể chế hóa bằng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước từ nhiều nhiệm kỳ trước. Trên thực tế, Bộ Chính trị đã đưa ra những căn cứ cụ thể để xem xét cho cán bộ thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức tại Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009. Tuy nhiên, suốt thời gian dài thực hiện, câu hỏi khi nào miễn nhiệm, từ chức trở thành việc làm bình thường, cán bộ tự giác rời vị trí khi không còn đủ năng lực, uy tín trong hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước, vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Từ thực tế đó, việc thực hiện nghiêm túc Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ diện T.Ư quản lý do vi phạm pháp luật thời gian qua đã khẳng định quyết tâm của Ðảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, để bịt những lỗ hổng, các cơ chế để đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát” đang ngày càng hoàn thiện mạnh mẽ hơn, không chỉ bằng các quy định của Đảng mà cả các cơ chế giám sát để người có quyền lực không thể lạm quyền, lộng quyền. Thực thi kiểm soát quyền lực sẽ góp phần kiến tạo nền tảng văn hóa, đạo đức chính trị.

Thực tế thời gian qua cho thấy, từ thực thi các quy định, đã tạo ra những dấu ấn nổi bật là kỷ luật, kỷ cương đang dần được siết chặt, nhiều cán bộ sai phạm cho dù ở bất kỳ cương vị nào cũng bị đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. PGS.TS Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội) nhận định, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tốt trong xử lý tình trạng tham nhũng, lạm quyền. Hàng loạt vụ việc được đưa ra ánh sáng, được xét xử nghiêm minh. Qua đó, đã cho thấy quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện được tuyên ngôn của Đảng, Nhà nước là xử lý tham nhũng không trừ một ai, không có ngoại lệ, đem lại niềm tin cho công chúng, cho người dân.

Việc nêu gương của T.Ư trong thực hiện Quy định 41-QĐ/TW đã lan tỏa thông điệp không có ngoại lệ, không có vùng cấm và đánh thức giá trị của lòng tự trọng trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời thúc đẩy văn hóa công vụ, gắn trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị. Đa số cán bộ, đảng viên đều cho rằng, những quyết định của T.Ư khi thực hiện nghiêm Quy định số 41 - QĐ/TW đã tạo niềm tin vào bước đột phá trong tư duy “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trong công tác cán bộ và nhất là sự nghiêm minh trong kỷ luật Đảng. Quy định đi vào cuộc sống đã góp phần quản lý, sàng lọc đội ngũ cán bộ, từng bước xây dựng và hình thành văn hóa từ chức trong các cơ quan công quyền.

Theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) Nguyễn Túc, khi miễn nhiệm, từ chức trở thành việc bình thường, sẽ giúp hoàn thành mục tiêu xây dựng môi trường công vụ liêm chính với hiệu quả tối ưu. Bởi, nếu giáo dục, rèn luyện đảng viên không đạt được cần, kiệm, liêm, chính thì khi biết mình mắc sai lầm, khuyết điểm, không phải cán bộ nào cũng sẵn sàng từ chức. Việc T.Ư và một số cấp ủy triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 41-QĐ/TW đã thể hiện rõ tinh thần song hành giữa xây và chống, để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn…, từ đó hình thành văn hóa liêm chính.

Bài 2: Kiến tạo nền tảng văn hóa liêm chính  第2张 Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 Thành phố Hà Nội kiểm tra tại bộ phận ''một cửa'' UBND quận Nam Từ Liêm, sáng 22/7/2024. Ảnh: Phong Thu

Tinh thần hành động của T.Ư đã lan tỏa xuống các tỉnh, TP, điển hình là Thành ủy Hà Nội đã ban hành hệ thống các văn bản cụ thể hóa, tổ chức thực hiện trong các cấp, ngành. Nổi bật là Chỉ thị 24/CT-TU ngày 7/8/2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”. Trong đó, đã đặt nội dung “kỷ cương” lên đầu tiên, tiếp đó là “kỷ luật”, “trách nhiệm”.

Đây chính là sự tăng dần mức độ, yêu cầu trong công tác quản lý hành chính và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở, để cán bộ không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, hiệu quả đối với công việc được giao; thường xuyên “tự soi, tự sửa”, liên hệ bản thân với 25 biểu hiện nhận diện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc. Hàng năm, Thành ủy Hà Nội tổ chức kiểm tra đối với 50/50 Đảng bộ trực thuộc về công tác tổ chức xây dựng Đảng, lồng ghép với với công tác giáo dục liêm chính…

Thực hiện công tác giáo dục liêm chính, Hà Nội đã xuất hiện những cách làm hay như việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm iHanoi, trong đó, có mục phản ánh ý kiến người dân. Qua đó, người dân có thể phản ánh 24/24h các vấn đề góp phần nâng cao cải cách hành chính và đạo đức công vụ.

Tại cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo T.Ư về thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 15/4/2024 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành về Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính, Thành ủy Hà Nội đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở T.Ư nghiên cứu, thống nhất hướng dẫn toàn quốc việc tuyên truyền, giáo dục liêm chính, xác định không chỉ giáo dục trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp mà còn trong các ngành, lĩnh vực, môi trường xã hội khác. Bên cạnh đó, đề xuất T.Ư cho phép TP mở thí điểm lớp đào tạo về công tác giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đây cũng là những giải pháp cần thiết tiếp theo để thúc đẩy việc kiến tạo văn hóa liêm chính.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Nội chính T.Ư đã có Kế hoạch số 01-KH/BCĐ về việc xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính. Trong đó, đề án sẽ làm rõ thực trạng việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác giáo dục liêm chính của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương… để xác định các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giáo dục liêm chính thời gian tới.

“Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải làm gì, làm như thế nào, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị đến đâu để đưa những chủ trương, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, để xây dựng được một Nhà nước liêm chính, một xã hội liêm chính, một quốc gia liêm chính, của dân, do dân, vì dân. Đây cũng chính là mục tiêu của Đề án Bộ Chính trị giao”.
Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc


(Còn nữa)