Cháng Thị Hương là ứng viên học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Cô đã đi làm thuê từ hè năm cô học lớp 8. Nay Hương đỗ khoa ngoại ngữ Trường đại học Hùng Vương (Phú Thọ) và muốn thoát khỏi lời nguyền nghèo đói.
Cháng Thị Hương không cầm nổi nước mắt mỗi lần nhắc đến mẹ - Ảnh: VŨ TUẤN
Không được gia đình cha thừa nhận vì 'lời nguyền'
Cháng Thị Hương - cô tân sinh viên khoa ngoại ngữ Trường đại học Hùng Vương (Phú Thọ) - tranh thủ vài ngày nghỉ để lên nương nhổ sắn giúp cậu và bà ngoại. Quê cô là một thung lũng bốn bề núi cao ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).
Hương có bố, nhưng lại là đứa trẻ không cha. Bố cô là người cùng làng, nhưng vì gia đình bố không nhận, mẹ cô chấp nhận nuôi cô một mình. Cô đi chăn trâu, làm đồng vẫn gặp ông nhưng chẳng dám nhận.
Người Lũng Khỏe vẫn kể lại, bố mẹ cô từng có một mối tình thời trai trẻ đẹp như trong mơ. Hai người đi học cùng nhau, đi rừng cùng nhau rồi hẹn ước với nhau…
Thu nhập của người dân thôn Lũng Khỏe phần lớn dựa vào ruộng, nương - Ảnh: VŨ TUẤN
Thế nhưng nhà chàng trai không cho cưới, một phần vì nhà mẹ cô nghèo, phần khác trong nhà họ không muốn có con dâu thấp bé, gầy gò. Ở Lũng Khỏe này, người ta quan niệm muốn thoát khỏi cái nghèo thì người phụ nữ phải khỏe, phải đi rừng giỏi, phải vác được nhiều củ sắn, lấy được vác củi to…
Quan niệm ấy như lời nguyền ở cái lũng bốn phía núi cao, sáng nắng muộn, chiều tối sớm này. Trong lũng chủ yếu là người Dao, sống dựa vào mảnh nương dốc đến nỗi con trâu đứng không vững. Muốn có nhiều cái ăn, con người phải khỏe, phải làm nương, vác nặng. Người lớn dựng vợ gả chồng cho con cũng phải chọn sức khỏe như người ta chọn trâu về cày ruộng.
Hương sinh ra không được mang họ bố từ ấy. Lúc mới được 2 tuổi, mẹ cô quyết tâm đi học để thoát khỏi cái nghèo trong cái lũng bốn mặt là núi cao giữa làng là suối dữ này. Hương sống với bà. Người cậu coi cháu như con, làm đủ mọi việc để nuôi gia đình.
Cháng Thị Hương xin đi làm từ khi học THCS để kiếm tiền phụ bà, phụ cậu và có tiền đi học - Thực hiện: VŨ TUẤN - NHÃ CHÂN - DIỄM HƯỜNG - TRINH TRÀ
Mẹ đi lấy chồng 'tôi cũng mừng cho mẹ'
Cháng Thị Hương không được nhận bố, đơn độc chống chọi với cuộc sống - Ảnh: VŨ TUẤN
Năm Hương học lớp 7, bỗng nhiên mẹ Hương về thăm nhà vào giữa hè. Hương đuổi trâu trên núi về thì anh em, người làng đến đầy nhà. Họ giết lợn, nấu xôi, chặt tre, kê bàn ghế. Hương ngơ ngác chẳng tin được khi có người nói mẹ cô đi lấy chồng.
Đêm hôm ấy, mẹ cô ôm cô vào lòng thút thít trong góc nhà. “Mẹ đợi đến khi con hiểu chuyện rồi mẹ mới nói - Hương lau nước mắt kể lại - Mẹ không thể một mình chống chọi với cuộc sống này…”. Giọng Hương nghẹn đi, cố cười nhưng nước mắt cứ lã chã rơi. Lúc này chỉ có nước mắt mới giúp cô bé không cha đối mặt với cảm giác tủi thân vì mẹ sẽ đi rất xa, không còn bên cô nữa.
Đêm ấy, Hương ngồi khóc một mình trong góc tối, gần sáng ngủ thiếp đi. Đến lúc tỉnh dậy mẹ cô đã đi rồi, Hương ở lại với góc phòng tối.
“Tôi nghĩ mình đã không vượt qua được. Nhưng rồi lại nghĩ nên mừng cho mẹ. Mẹ cần một chỗ dựa, mẹ cần người giúp mẹ thoát khỏi cái nghèo này…” - Hương khóc.
Dù thỉnh thoảng mẹ cũng có gửi tiền cho cậu lo cho Hương, nhưng vì lấy chồng xa có con nhỏ nên cũng không dành dụm được bao nhiêu, Hương và cậu cũng không hờn trách mẹ.
Ròng rã làm thuê từ năm lớp 8
Hương làm đủ nghề để có thu nhập, từ bưng bê, làm nương đến làm công nhân - Ảnh: VŨ TUẤN
Công việc đầu tiên Hương nhận được sau ngày mẹ lấy chồng là dọn dẹp, rửa bát cho một quán bún ở thị trấn Vị Xuyên, cách nhà hơn 60 cây số. Ngày ấy cô mới học lớp 8.
Tranh thủ những ngày nghỉ hè, Hương về nhà giúp bà, cấy lúa rồi đi Vị Xuyên ngay. Cô ăn ở luôn tại quán. Tháng lương đầu tiên trong đời của cô bé lớp 8 được 2 triệu đồng. Cô mang về đưa cho bà ngoại và dành một phần nhỏ sắm ít đồ dùng cho năm học mới.
Sùng A Hồng vượt cổng trời Mường Lát vào đại học ngành tiếng AnhĐỌC NGAY
Hè thứ hai, Hương và nhóm bạn học sinh nghèo trong trường đi Bắc Giang làm công nhân "chui". Khi ấy nhóm học sinh nghèo chưa đủ tuổi, họ được người môi giới cho mượn căn cước công dân của người khác để làm hồ sơ xin việc. Công việc thời vụ trong nhà máy lương thấp nhưng lại rất quý với lũ học trò nghèo ở vùng cao.
Hè năm lớp 10, nhóm bạn nghèo không về xuôi mà ngược lên Quảng Bạ làm nương thuê. Công việc vất vả gấp bội việc ở dưới xuôi. Vừa được nửa tháng thì dịch COVID-19 ập về, lũ học trò nghèo "mất việc" về nhà đi nương.
Năm lớp 11, Hương và lũ bạn lại về xuôi làm công nhân. Vài tháng hè bỏ ra được hơn 6 triệu đồng. Hương đưa bà một phần, gửi thêm cho mẹ nuôi em.
Hè vừa rồi, Hương mới đi làm được nửa tháng thì công ty có thông báo những ai có ý định đi học sẽ phải nghỉ việc trước hạn. Hương nghỉ việc rồi kiếm được một chỗ làm ca đêm. Cô làm ròng rã hơn 20 đêm, ca cuối cùng vừa tan lúc 7h sáng, cô bắt xe khách lên Việt Trì nhập học.
Nương sắn người cậu nhân từ trồng 3 năm dành cho cháu
Nương sắn trồng từ năm Hương học lớp 10, đến nay mới nhổ để có thêm tiền trang trải - Ảnh: VŨ TUẤN
Nương sắn của nhà cậu trên núi sau nhà, nằm sát rừng phòng hộ. Hai cậu cháu đeo gùi, xỏ ủng đi từ sáng sớm, đến nương mặt trời đã nắng chói chang. Người đi núi quen như cậu cháu Hương cũng phải nghỉ ba chặng mới leo tới nơi.
Nương sắn đã nở hoa đến tháng 9 này vừa tròn ba năm tuổi. Cậu Hương - ông Cháng Văn Thìm - gạt mồ hôi đầm đìa trên trán: “Ở đây chỉ trồng được giống sắn này, ba năm mới cho thu”. Giống sắn bản địa người Lũng Khỏe lưu giống từ thời ông bà về lập bản, thân gầy như que tre, hoa trắng xinh xinh.
“Trồng một năm thì củ bằng cái chuôi dao, toàn xơ không ăn được. Trồng hai năm thì củ to bằng bắp chân, nhưng cũng chưa có bột. Đến năm thứ ba mới được thu, củ to nhưng rẻ lắm, bán chẳng ai mua, chỉ cho con lợn ăn thôi" - ông Cháng Văn Thìm giải thích.
Cả buổi sáng hai cậu cháu nhổ được hai gùi sắn. Cô bé Cháng Thị Hương gò lưng gùi theo cậu về, dọc đường vẫn bỏ gùi, chui vào bụi nhổ thêm ít nhân trần. Lúc sắn được giá nhất người Lũng Khỏe bán chưa tới 15.000 đồng mỗi cân. Tính ra cả gùi sắn Hương đang gùi trên lưng chưa tới dăm chục nghìn đồng.
Hơn một tháng nay, cứ hôm nào rảnh, cậu Thìm lại lên nương nhổ sắn về băm, phơi khô bán được đồng nào quý đồng đó để góp tiền cho cháu đi học.
Cả gùi sắn to chỉ bán được vài chục nghìn đồng - Ảnh: VŨ TUẤN
Kể từ ngày mẹ Hương đi lấy chồng, cậu Thìm nuôi bà và Hương. Cậu coi Hương như đứa con cả. Ca đứa con ruột của cậu noi theo gương chị mà chăm chỉ học hành.
Năm Hương học lớp 10, ông Thìm bàn với vợ phải phát cái nương sắn bỏ hoang mấy năm, trồng lại sắn để mấy năm sau có thêm vài đồng cho con, cháu đi học. “Ở đây không chăn nuôi được con gì. Có nương sắn tôi phải trồng từ ngày nó (Cháng Thị Hương - PV) học lớp 10 để bây giờ mới có thêm tiền cho cháu" - ông Thìm nhấc cái cổ áo đã ướt đẫm từ bao giờ.
Ngày Hương trở lại trường, cậu Thìm chở xe máy ra tận bến, dúi thêm vào tay cháu mấy trăm nghìn để mua vé xe. “Thiếu cái gì thì cứ gọi điện về nhé!” - ông Thìm dặn dò khi cô bé mắt đã long lanh dưới nắng. Hương biết gọi điện về cậu lại đi nương vài ngày để nhổ sắn, hoặc lại bán thêm con lợn đang lớn trong chuồng.
“Nó là đứa đầu tiên ở cái lũng này học giỏi, đỗ đại học. Có phải chịu đói thì gia đình cũng cố gắng cho cháu học hành. Nó không có bố nhưng gia đình lại rất tự hào vì cháu" - ông Cháng Văn Thìm chia sẻ.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Đăng thảo luận
2024-10-20 20:05:12 · 来自106.95.96.177回复
2024-10-20 20:15:11 · 来自139.199.65.22回复
2024-10-20 20:25:13 · 来自121.77.150.199回复
2024-10-20 20:35:10 · 来自182.84.208.114回复
2024-10-20 20:45:12 · 来自171.8.146.171回复
2024-10-20 20:55:31 · 来自36.61.198.252回复
2024-10-20 21:05:17 · 来自106.89.70.131回复
2024-10-20 21:15:14 · 来自106.81.119.118回复
2024-10-20 21:25:27 · 来自106.85.111.83回复
2024-10-20 21:35:16 · 来自139.209.208.78回复
2024-10-20 21:45:09 · 来自61.234.127.125回复
2024-10-20 21:55:15 · 来自171.11.56.229回复
2024-10-20 22:05:18 · 来自182.89.184.10回复