Bà chủ quán bò kho Michelin vượt nghịch cảnh, nuôi con đi du học

(Dân trí) - Từ gánh bò kho nhỏ ở lề đường, chị Nguyên gầy dựng thành quán ăn nổi tiếng ở TPHCM, được Michelin vinh danh. Bản thân chị còn tích cóp được tiền nuôi con gái đi du học.

Bán hơn 2.000 tô bò kho/ngày

Nhận lá thư từ Michelin với dòng chữ được vinh danh tại hạng mục Bib Gourmand 2024 (quán ngon, giá phải chăng), chị Tạ Thị Minh Nguyên (46 tuổi), chủ quán bò kho gánh, nửa tin nửa ngờ.

"Tôi tưởng là mạo danh, chiêu trò lừa đảo vì không biết đó là gì. Sau khi được các em giải thích cặn kẽ, tôi đã vỡ òa trong hạnh phúc. Hơn 20 năm kinh doanh vất vả, tôi cũng đã hái được quả ngọt", chị Nguyên, hào hứng kể lại.

Bà chủ quán bò kho Michelin vượt nghịch cảnh, nuôi con đi du học  第1张

Chị Nguyên gắn bó với hàng bò kho gánh hơn 6 năm qua (Ảnh: Trọng Khang).

Quán bò kho gánh của chị nằm tại chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM). Cứ 19h, quán lại đông nghịt người. Nhiều thực khách sẵn sàng đợi 30 phút để trải nghiệm hương vị đặc trưng của món bò kho nơi đây.

Không chỉ yêu thích sự đậm đà của món ăn, thực khách còn mê mẩn nét cổ xưa ở quán, qua những chiếc đòn gánh, thúng tre, niêu đất trang trí xung quanh.

Từ khi Michelin vinh danh, chị Nguyên cho hay chị và nhân viên phục vụ "không kịp thở", tất bật bán hơn 2.000 tô bò kho, gần 100-150kg bò/ngày.

"Tôi và 7 nhân viên lắm lúc quên cả chuyện ăn uống. Được thực khách ủng hộ nhiều, tôi vui lắm, phải tranh thủ phục vụ hết mình", chị Nguyên chia sẻ.

Bà chủ quán bò kho Michelin vượt nghịch cảnh, nuôi con đi du học  第2张

Từ khi được Michelin đề xuất, hàng bò kho càng đông khách hơn (Ảnh: Trọng Khang).

Mỗi ngày, chị Nguyên đều dậy từ rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu, kịp giờ mở hàng lúc 6h. Sau 6 tiếng bán buổi sáng, chị sẽ nghỉ ngơi để tiếp tục cho ca chiều từ 14h đến 22h.

"Nấu bò kho đòi hỏi các công đoạn rất kỹ lưỡng nên tôi thường mất đến nửa ngày để nấu. Khi mua thịt bò về, tôi đều sơ chế cẩn thận để loại bỏ mùi hôi, sau đó ướp với gia vị, rồi mang thịt đi hầm khoảng 8-10 tiếng", chị Nguyên cho hay.

Bà chủ quán bò kho Michelin vượt nghịch cảnh, nuôi con đi du học  第3张Một phần bánh mì bò kho giá 50.000 đồng tại quán chị Nguyên (Ảnh: Trọng Khang).

Tại đây, quán phục vụ các món bò kho được chế biến đa dạng. Mức giá cho mỗi món ăn dao động 50.000-120.000 đồng.

"Sự đề xuất của Michelin như "bệ phóng" giúp quán ngày càng phát triển. Tôi vô cùng biết ơn những vị khách đã gắn bó với quán từ giai đoạn đầu khởi nghiệp, họ không ngần ngại góp ý cho tôi, để quán ngày một hoàn thiện hơn", chị Nguyên chia sẻ.

Vực dậy từ thất bại lớn

Kể lại hành trình kinh doanh đầy gian nan, bà chủ trẻ chợt nghẹn ngào. Năm học lớp 12, hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả nên chị Nguyên phải bỏ học để theo phụ ba mẹ bán chè. Năm 1999, chị tiếp quản quán chè của ba mẹ để mưu sinh, lo cho gia đình.

Chị kết hôn, sinh con, nhưng hôn nhân cũng đổ vỡ sau 10 năm chung sống. Thời điểm ấy, việc kinh doanh xuống dốc, cùng với những biến cố trong cuộc sống khiến chị Nguyên trở nên suy sụp.

"Sau 19 năm tự gồng gánh, tiền thua lỗ lên đến hàng trăm triệu khiến tôi phải dừng lại việc kinh doanh. Ngày đóng cửa quán, lòng tôi như thắt lại bởi đó là tâm huyết mà ba mẹ tôi để lại. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn nhớ đến tiệm chè của ba mẹ", chị Nguyên nói với nét mặt buồn bã.

Bà chủ quán bò kho Michelin vượt nghịch cảnh, nuôi con đi du học  第4张

Niềm vui của chị Nguyên là được khách hàng ủng hộ, yêu thương (Ảnh: Trọng Khang).

Năm 2018, chị Nguyên quyết tâm gầy dựng lại sự nghiệp bằng việc kinh doanh bò kho, dựa theo công thức truyền từ đời ông ngoại. Để hương vị của món ăn phù hợp với đa số thực khách, chị Nguyên không ngừng lắng nghe ý kiến của từng khách hàng.

Trong những khoảnh khắc khó khăn dường như gần bỏ cuộc, chị lại được con gái động viên. Chị Nguyên nhiều đêm trằn trọc, tự nhủ bản thân phải cố gắng để lo cho con ăn học.

Dần dà, quán bò kho càng được nhiều người biết đến hơn. Từ một gánh bò kho nhỏ, chị Nguyên tìm được mặt bằng lớn để mở quán. Doanh thu từ đó cũng tăng dần.

Tiền kiếm được, chị Nguyên quyết tâm dùng để lo cho con gái đi du học ở Mỹ. Chị nói thầm rằng con gái phải được học đến nơi đến chốn, để không phải bươn chải mưu sinh vất vả như chị.

"Tôi lấy việc học của con làm động lực để phấn đấu. Trong suốt quá trình khởi nghiệp, tôi tự đưa mình vào tình huống không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thành công để có đủ tiền chu cấp cho con ăn học. Việc khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng, nhưng nếu có được mục tiêu, động lực, ắt hẳn sẽ thành công", chị Nguyên chia sẻ.

Trọng Khang