Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh nỗ lực của thành phố tại Hội nghị kinh tế khu vực mang tên "Gateway to ASEAN" ("Cửa ngõ vào ASEAN") vào hôm nay, 6/9 do Ngân hàng UOB tổ chức thường niên tại các quốc gia ASEAN. Năm nay, hội nghị diễn ra tại TP.HCM và đây là lần đầu tiên Việt Nam làm chủ nhà của sự kiện này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị "Cửa ngõ vào ASEAN" tại TP.HCM ngày 6/9/2024. Ảnh: Thanh Tao
Ông Phan Văn Mãi phát biểu: "Thứ tư vừa qua, chúng tôi đã làm việc với ông Chủ tịch và các lãnh đạo cấp cao của UOB. Chúng tôi thống nhất là sẽ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UOB và TP.HCM. Tôi tin rằng với chiến lược hợp tác này, chúng ta sẽ thu hút và hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào TP.HCM và Đông Nam bộ".
TP.HCM với nhiều thế mạnh
Với quyết tâm khẳng định là trung tâm lớn về kinh tế - tài chính, TP.HCM luôn sẵn sàng hợp tác và tạo điều kiện để các nhà đầu tư, đối tác triển khai kinh doanh thành công và hợp tác cùng có lợi, ông Mãi cho biết.
Chủ tịch thành phố phát biểu trước khoảng 600 đại biểu: “Một định hướng xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam và TP.HCM là luôn theo đuổi xu hướng hòa bình, hữu nghị và hội nhập cùng phát triển với các đối tác. Dù bối cảnh thế giới, khu vực của chúng ta đang có nhiều chuyển động nhưng chúng tôi vẫn mong muốn hòa bình hữu nghị và hợp tác, cùng phát triển với các đối tác".
Trong thông điệp của TP.HCM gửi đến các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế, ông Phan Văn Mãi cho biết Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế cao của khu vực và tăng trưởng của ASEAN và Việt Nam tiếp tục đạt mức cao trong năm 2024. UOB cũng dự báo mức tăng trưởng tích cực đối với Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, phục hồi từ mức 5% trong năm 2023, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN.
Riêng TP.HCM có cơ chế đặc thù trong xây dựng các đường vành đai, các tuyến cao tốc đồng bộ, hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam bộ, liên kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mở rộng không gian kinh tế và tạo lợi thế về vị trí địa lý, chiến lược về hạ tầng kinh tế, logistics. Thành phố có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng giúp trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa ra các khu vực trong và ngoài nước.
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị ở TP.HCM ngày 6/9. Ảnh: Tường Thụy
Tiếp tục nêu ra các điểm mạnh, ông Mãi nhấn mạnh TP.HCM có cả 4 loại hình giao thông: Đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy. Về logistics, không chỉ có vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải và hàng không, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và năng lực xử lý hàng hóa. Logistics đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia lớn nhất về thương mại quốc tế.
TP.HCM cũng đang khẩn trương hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông logistics nội bộ và kết nối với vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản trước năm 2030.
Về hạ tầng công nghiệp, thành phố có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp đang hoạt động. Ông Mãi nhấn mạnh, thành phố hiện nay đang có đề án chuyển đổi các khu công nghiệp này theo hướng công nghệ cao và tích hợp công nghiệp dịch vụ để hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu và phát triển. Thành phố cũng đang có kế hoạch xây dựng mới các khu công nghiệp thế hệ mới phục vụ cho các nhà đầu tư.
"TP.HCM với truyền thống năng động, sáng tạo cũng nỗ lực bắt kịp các xu hướng và tự tin khẳng định vị trí trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội, là đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của khu vực Đông Nam bộ cũng như cả nước", ông Mãi khẳng định.
Nêu câu hỏi "Các đối tác đến với TP.HCM hay vùng Đông Nam bộ sẽ cần gì?", Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng môi trường đầu tư, tiềm năng thị trường, khả năng gia nhập chuỗi logistics cũng như khả năng thích ứng của môi trường đầu tư sẽ là những yếu tố quan trọng.
TP.HCM đóng góp đến 16% GDP cả nước và 26% ngân sách quốc gia. Với vai trò này, thành phố được thừa hưởng cơ chế chính sách vượt trội hơn so với mặt bằng thể chế cả nước. Đây là điều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lịch vực đổi mới sáng tạo, công nghệ, theo thông tin từ hội nghị.
Hiện nay, 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn TP.HCM với hơn 13.000 dự án và tổng vốn đầu tư là gần 90 tỷ USD. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2.000 dự án, theo số liệu chính thức của thành phố.
Việt Nam là điểm sáng kinh tế trong ASEAN
Tại hội nghị hôm nay, ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, nhấn mạnh các cam kết của UOB tại thị trường Việt Nam. Đó là tạo ra hệ thống hỗ trợ, kết nối chính phủ, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ Việt Nam cũng ASEAN phát triển kinh doanh, nâng tầm nhìn cũng như hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực.
"Khi các doanh nghiệp ngày càng hướng đến Đông Nam Á cũng như Việt Nam để mở rộng kinh doanh, điều quan trọng là phải đảm bảo khu vực của chúng ta vẫn thuận lợi và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế", ông Victor Ngo nói.
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm CEO Ngân hàng UOB Singapore, nhận định có ba yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của khu vực. Đó là chính sách của chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh xuyên biên giới; xu hướng phi tập trung chuỗi cung ứng giúp thúc đẩy thương mại; và các ngành công nghiệp thúc đẩy nền kinh tế xanh.
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Singapore, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Tao
Các chuyên gia tại hội nghị cũng tập trung thảo luận về các lợi thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực kinh tế năng động của thế giới.
Đăng thảo luận