Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về khắc phục sau bão ngày 15-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản tại các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh: VGP
Theo báo cáo của các địa phương, thống kê thiệt hại đến 7h ngày 15-9, đã có 348 người thiệt mạng, mất tích. Đây là mất mát, tổn thất vô cùng lớn. Số người bị thương là 1.910 người.
Hư hỏng 231.413 ngôi nhà; 183.394 ha lúa, 44.071ha hoa màu, 23.661 ha cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 2.250 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 9.079 con gia súc và gần 2 triệu con gia cầm bị chết.
Nhiều bài học kinh nghiệm trong ứng phó bão lũ
Lũ lớn, đặc biệt lũ lớn vượt lịch sử xuất hiện trên nhiều tuyến sông và gây ra 305 sự cố, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê điều.
Chỉ ra những bài học kinh nghiệm, ông Hoan cho rằng việc ứng phó, khắc phục bão lũ có được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm từ xa của các cấp và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng... nên đã giảm thiểu được thiệt hại.
Thủ tướng: Nâng quy mô tín dụng ưu đãi với lâm, thủy sản lên 60.000 tỉ đồngĐỌC NGAY
Công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo dễ hiểu sinh động giúp nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền.
Việc vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ", phát huy vai trò lực lượng xung kích, vai trò của người đứng đầu, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.
"Chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người" - ông Hoan đánh giá.
Trong đó, câu chuyện điển hình như Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất; 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống.
Cùng đó là công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành với yêu cầu xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình thực hiện, khi có tình huống khẩn cấp cần xử lý ngay. Huy động nguồn lực trong và ngoài xã hội để khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất….
Lũ trên các sông vẫn rất cao uy hiếp an toàn đê
Với những tác động và thiệt hại nặng nề, ông Hoan cho rằng cần có giải pháp căn cơ lâu dài. Trong đó, với vùng đồng bằng, ven biển cần tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều sông Hồng - Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ.
Bởi hiện nay, lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao (báo động 3, trên báo động 3), uy hiếp đến an toàn hệ thống đê điều; các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác hộ đê, xử lý kịp thời các sự cố đê.
"Chúng ta tránh tình trạng chủ quan, lơ là vì khi lũ rút cũng sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê. Sau khi lũ rút, tập trung xử lý các sự cố đê điều để đảm bảo an toàn chống lũ", Bộ trưởng đề nghị.
Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão lũ, đảm bảo lương thực thực phẩm người dân, không để bị đói rét, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường. Tiêu úng và ứng cứu lúa và hoa màu bị ngập, sẵn sàng giống để khôi phục sản xuất, khắc phục sớm sự cố hệ thống lưới điện, thông tin,...
Cùng với việc tìm kiếm người mất tích, cần rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Về lâu dài, ông Hoan đề nghị cần tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ hồ chứa. Vận hành hiệu quả, an toàn công trình hồ chứa và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa quan trọng đặc biệt: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang theo quy định.
Các địa phương cần sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ. Tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, đê biển đảm bảo chống chịu được với các trận bão rất mạnh, bảo vệ không gian thoát lũ...
Đăng thảo luận