Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ thuốc là mặt hàng đặc biệt, nên quản lý giá thuốc cũng là việc rất quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 22-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đã bày tỏ quan ngại về những bất cập trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, đặc biệt là nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.
Theo dự thảo, cơ sở nhập khẩu, sản xuất thuốc được quyền tự xác định giá bán buôn tối đa. Điều này có thể tạo kẽ hở cho doanh nghiệp thao túng thị trường. "Họ có thể đặt giá bán buôn rất thấp, sau đó thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Khi đó, giá thuốc sẽ bị đẩy lên cao tại các điểm bán lẻ - nơi người dân phải mua với giá đắt đỏ", bà Hà phân tích.
Một điểm yếu khác trong quản lý giá thuốc là Bộ Y tế chỉ kiến nghị về mức giá sau khi thuốc đã lưu hành, thay vì rà soát ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ. Đáng chú ý, dự thảo chỉ yêu cầu công bố giá đối với thuốc kê đơn, bỏ ngỏ việc quản lý giá thuốc không kê đơn.
"Khi quản lý về chuyên môn cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, nhưng về giá cần phải quản lý tất cả các loại thuốc", đại biểu Hà nhấn mạnh.
Vị đại biểu Hà Nội cũng chỉ ra sự thiếu đồng bộ trong việc kê khai giá thuốc tại các địa phương. Không có tiêu chí thống nhất, mỗi tỉnh thành sẽ có cách thực hiện khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn.
Trước thực trạng này, bà Hà đề xuất cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng về kê khai giá thuốc cho địa phương. Đồng thời, bà kiến nghị chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ, vì các đơn vị này đã phải niêm yết giá và thực hiện liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.
"Thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cử tri rất mong muốn có cơ chế quản lý giá đặc thù theo luật chuyên ngành, thay vì chỉ tuân theo Luật Giá như hiện nay", bà Hà nhấn mạnh. Theo đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để đưa ra những quy định phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi triển khai.
Thuốc online đã bán nhưng chưa có quy địnhĐỌC NGAY
'Nếu không quản lý thì như thả gà ra đuổi'
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu việc muốn quản lý giá thuốc nhưng không quy định được một viên thuốc được qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, tỉ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu.
"Hiện nay, chúng ta mới chỉ trông đợi người ta tự nguyện kê khai thì giá đó không thể nói được. Khi lặp lại trật tự cũ sẽ rất khó khăn.
Khi chưa định hướng, quản lý được hệ thống phân phối này thì tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn xảy ra", bà Lan lo lắng.
Giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng thuốc là mặt hàng đặc biệt, cho nên quản lý giá thuốc cũng là việc rất quan trọng.
Bà nói Luật Dược năm 2016 đã quy định nội dung liên quan tới quản lý giá thuốc bán buôn. Năm 2023, giá thuốc cũng được quy định trong Luật Giá.
"Chúng ta đã nghe thấy có bài báo nói là tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ. Chúng ta quản lý như vậy từ năm 2016 mà còn tăng. Nếu không quản lý thì lúc đấy như thả gà ra đuổi, cũng không thể nào quản lý được", bà Lan nói.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá trong Luật Dược 2016 và Luật Giá năm 2023 quy định về việc thực hiện việc kê khai thuốc bán buôn dự kiến. Nội dung này trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu cũng đổi thành biện pháp công bố dự kiến giá bán buôn tại dự luật.
Cũng theo bà Lan, nhờ các quy định của các luật đã góp phần quản lý giá thuốc ở Việt Nam, giúp giá thuốc tương đối ổn định trong thời gian qua.
Bà dẫn chứng bằng số liệu năm 2022, giá thuốc tăng 0,4%; năm 2023 tăng 1,45% dù sau COVID-19 tất cả các loại thuốc, nguyên liệu đều tăng.
"Với các biện pháp như vậy, chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh có những cái tăng giá đột biến trên thị trường", bà Lan nêu rõ.
Đăng thảo luận
2024-11-25 15:05:36 · 来自123.235.238.47回复
2024-11-25 15:15:35 · 来自139.212.44.121回复
2024-11-25 15:25:37 · 来自182.85.250.114回复