So với cùng thời điểm năm ngoái, cúm gia cầm đang lây lan nhanh hơn ở Liên minh châu Âu (EU), làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái diễn khủng hoảng dịch cũng như khả năng lây lan sang người.
Một trang trại gà tại Verona, Italy. Ảnh tư liệu
Theo dữ liệu của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), tính từ đầu mùa chim di cư (ngày 1/8) cho đến cuối tuần trước, các nước EU ghi nhận tổng cộng 62 đợt bùng phát cúm gia cầm tại các trang trại, hầu hết ở phía Đông của khối. Con số này cao hơn so với 7 đợt bùng phát cúm gia cầm được được ghi nhận tại các trang trại ở EU trong cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 112 đợt bùng phát của năm 2022.
Tuy nhiên, Giám đốc Anvol (Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Pháp), ông Yann Nedelec nhận định: "Tình hình trên toàn EU chắc chắn đáng lo ngại hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.
Trong những năm gần đây, cúm gia cầm độc lực cao đã làm chết hàng trăm triệu gia cầm trên toàn cầu, song chưa được phát hiện ở người hoặc gia súc tại EU. Tại Mỹ, virus đã lây lan sang gần 400 đàn bò sữa ở 14 bang trong năm nay và đã được phát hiện ở 36 người kể từ tháng 4. Việc cúm gia cầm lây sang người và các loài động vật có vú khác ở Mỹ, bao gồm cả lợn và bò sữa, đang làm dấy lên mối lo ngại ở châu Âu rằng loại virus này có thể biến đổi thành chủng dễ lây truyền sang người và gây ra đại dịch.
Cúm gia cầm là một bệnh theo mùa ở gia cầm, lây lan chủ yếu qua phân của chim hoang dã mắc bệnh và việc vận chuyển các nguyên liệu nhiễm virus. Bệnh thường xuất hiện vào mùa Thu trùng với thời điểm di cư của các loài chim, trước khi giảm dần vào mùa Xuân.
Giống như năm ngoái, Hungary là nước ghi nhận số lượng dịch bùng phát lớn nhất kể từ đầu mùa chim di cư, với số đợt bùng phát tăng nhanh trong những tuần qua. Tại Ba Lan, nước xuất khẩu gia cầm lớn nhất EU, virus này cũng đã dẫn đến việc tiêu hủy 1,8 triệu con gia cầm, trong đó gần 1,4 triệu con tại một trang trại ở thị trấn Sroda Wielkopolska.
Trong khi đó, Pháp, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do cúm gia cầm trong giai đoạn 2022-2023, đã tăng cường các biện pháp an toàn sinh học xung quanh các trang trại gia cầm vào giữa tháng 10. Ông Nedelec bày tỏ hy vọng thông qua việc tiêm chủng, các trang trại ở Pháp sẽ tránh được khủng hoảng trong năm nay.
(Theo Báo Tin tức)
Đăng thảo luận