Căn hộ chung cư phong cách Nhật Bản độc đáo với phòng khách "5 trong 1"
(Dân trí) - Căn hộ chung cư được thiết kế theo phong cách Nhật Bản luôn độc đáo ở tính đa dụng và thẩm mỹ. Công năng như được khéo léo nén chung vào một không gian có thể xoay chuyển tùy ý.
Do quỹ đất xây chung cư trong nội thành các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM ngày càng khan hiếm, các chủ đầu tư sẽ không làm các căn hộ diện tích lớn. Một căn hộ được bố trí hợp lý, đa năng và thẩm mỹ cao là đòi hỏi trong xu thế mới.
Vì thế hiện nay, nhiều gia đình đã lựa chọn phong cách Nhật Bản để xóa đi khái niệm "phòng" chuyển hóa thành các "không gian chức năng". Đây là nghệ thuật tổ chức không gian của căn hộ của người Nhật.
Không gian đa năng Kamachi trong phong cách Nhật Bản là giải pháp nâng sàn lên 20-35cm so với sàn nhà (giật cấp 1 hoặc 2 bậc thang). Sàn nâng Kamachi sẽ tạo ra một không gian đa năng nhưng có tới 5 chức năng.
Chủ nhân của căn hộ có thể sử dụng không gian này là phòng tiếp khách, xem tivi, nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Gia chủ chỉ cần cất gọn bộ sofa có thể trở thành không gian vui chơi cho trẻ em đủ rộng rãi.
Đặc biệt, không gian Kamachi cũng giải quyết bài toán thiếu phòng ngủ khi có khách tới thăm. Ông bà, bạn bè hay người giúp việc cũng có thể sử dụng phòng ngủ đa dụng một cách thoải mái.
Nơi đây cũng có thể trở thành phòng đọc sách hoặc một không gian thưởng trà, ngồi thiền tĩnh tâm.
Theo KTS. Trần Quốc Việt, giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch Trường Đại học Xây dựng, không chỉ ở Việt Nam các căn hộ diện tích nhỏ, ít phòng ngủ đang là xu thế chung tại các đô thị lớn trên thế giới. Do đó, việc tối giản trong thiết kế là điều hết sức quan trọng.
Ở Việt Nam hiện nay, các hoạt động giao tiếp thường diễn ra ở bên ngoài, đặc trưng của lối sống đô thị. Đa phần người đến chơi nhà bây giờ không còn gọi là khách, mà thường là người thân quen. Vì thế, phòng khách bây giờ là không gian sinh hoạt chung hướng nội. Chủ nhà thường gửi gắm những ý tưởng sáng tạo và dùng không gian này làm ngôn ngữ biểu hiện cái tôi cá nhân một cách thực chất và rõ nét nhất, ông Việt cho hay.
"Việc hình thành không gian đa chức năng bằng cách xóa bỏ hoặc làm mờ tối đa các ranh giới không gian "phòng" không khác gì một căn hộ studio nhưng vẫn đảm đầy đủ các không gian chức năng. Thậm chí, các chức năng tự nó có thể chuyển hóa và giao thoa lẫn nhau", KTS Việt phân tích.
Như vậy, không gian đa chức năng là một xu thế và rất phù hợp với căn hộ có diện tích nhỏ. Người ta sẽ không còn nói tới căn hộ chia được bao nhiêu phòng, mà hướng tới việc sử dụng được nhiều và hiệu quả không gian chức năng, ông Việt khẳng định.
Nhật Bản được biết đến là quốc gia cần mẫn, tỉ mỉ, tinh tế trong từng chi tiết. Trong đó, cửa lùa Shoji đã trở thành một biểu tượng, nét đặc trưng văn hóa. Bởi cánh cửa với thành phần chính là giấy washi được làm từ cây dâu tằm, có khả năng khuếch tán ánh sáng (hoặc là có thể nói là giúp ánh sáng đi qua), tạo nên không gian riêng tư nhưng không hề bị bí bách.
Về cơ bản cửa shoji và vách shoji giống nhau ở phần cấu tạo. Cấu tạo chung là đều có hai lớp nan gỗ giống hệt nhau, trùng khít nhau. Tấm giấy shoji được dán bằng băng keo chuyên dụng vào 1 tấm. Tấm đó được ép vào tấm còn lại làm cho lớp giấy shoji bị kẹp giữa hai lớp nan gỗ. Điều này đảm bảo tính chắc chắn của lớp giấy shoji cũng như đảm bảo mỹ quan cả hai mặt vách và cửa shoji.
Đăng thảo luận