Cả nước đã có 2.021km đường bộ cao tốc
(Dân trí) - Với việc đưa vào khai thác 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với tổng chiều dài 693km, cả nước đến nay đã có 2.021km đường cao tốc.
Con số này được báo cáo trong phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, sáng 8/8. Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhằm kiểm tra, đôn đốc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một trong những mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra là đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000km. Đại hội XIII cũng xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông.
Sau 12 phiên họp của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đã ban hành 12 kết luận và trên 400 công điện đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ảnh: Đoàn Bắc).
Đến nay, Thủ tướng cho biết 2 dự án đường bộ cao tốc với 12 dự án thành phần (gồm 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ) đã hoàn thành, với tổng chiều dài 693km đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên khoảng 2.021km.
Các công trình triển khai, hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics…
Tại phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và đại biểu dự họp tập trung kiểm điểm, đánh giá cụ thể các nhiệm vụ được giao và xử lý, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án trong thời gian tới.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu báo cáo cụ thể kết quả thực hiện các nhiệm vụ, nêu rõ những tồn tại, vướng mắc và hướng xử lý những vướng mắc như thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án; tiến độ bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật...
Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm điểm tình hình thực hiện việc hướng dẫn thủ tục thẩm định dự án đầu tư, bố trí vốn…; công tác chuyển mục đích sử dụng rừng; về đơn giá, định mức, phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ; về vốn ODA; khai thác vật liệu, chuyển mục đích sử dụng đất; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật điện...
Theo báo cáo về công tác triển khai thi công dự án giao thông trọng điểm, Bộ GTVT đang chỉ đạo các nhà thầu triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Chơn Thành - Đức Hòa… với tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch, một số dự án phấn đấu hoàn thành sớm 3-6 tháng.
Với mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025, Bộ GTVT, các địa phương và VEC đang triển khai 38 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 1.700km.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).
Trong đó, có 25 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 1.104km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025; 2 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 68km theo kế hoạch hoàn thành năm 2026, nhưng có thể rút ngắn tiến độ để hoàn thành vào năm 2025.
Bộ GTVT đặt mục tiêu 13 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 736km có điều kiện thuận lợi, sẽ hoàn thành trong năm 2025, nhiều dự án thành phần phấn đấu rút ngắn thời gian thi công 3-6 tháng.
10 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 377km cần phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng và tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp mới có thể hoàn thành trong năm 2025.
4 dự án/dự án thành phần và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 59km có kế hoạch hoàn thành năm 2025, nhưng rất khó hoàn thành đúng tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, thủ tục lựa chọn nhà thầu.
Đăng thảo luận