Nghiên cứu mở tài khoản đặc biệt dành cho người không muốn công khai ủng hộ
Đáng chú ý, trả lời một số vấn đề xung quanh việc sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi), ông Đỗ Văn Chiến chia sẻ, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam rất áp lực khi lần đầu tiên thực hiện việc công khai này.
“Lần đầu làm bao giờ cũng khó, tuy nhiên, khi công khai sao kê đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn của dư luận xã hội và các tầng lớp Nhân dân. Trước thực tế có nhiều băn khoăn về việc công bố sao kê liệu có bảo đảm bí mật cá nhân hay không, Ban Thường trực đã tham vấn ý kiến pháp lý của các luật sư và cho thấy đủ cơ sở để công khai sao kê”- ông Đỗ Văn Chiến cho biết.
Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, về lâu dài, để thật sự phù hợp, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sẽ nghiên cứu để có cơ chế tiếp nhận tiền ủng hộ của những cá nhân, doanh nghiệp có số tiền ủng hộ lớn nhưng không muốn công khai danh tính. Trong đó, “có thể mở một tài khoản ngân hàng đặc biệt để tiếp nhận tiền ủng hộ của những cá nhân, doanh nghiệp này. Khi gửi vào tài khoản đặc biệt đó, chỉ có người đó và một số ít người khác biết, còn lại không công khai. Điều này cần tiếp tục nghiên cứu” - ông Đỗ Văn Chiến nói.
Chia sẻ thông tin “rất thật” là sau khi công khai sao kê, tỷ lệ những người ủng hộ và số tiền ủng hộ về quỹ đã được nhiều hơn và tăng rất nhanh, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho hay, đến ngày 10/10, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận hơn 2.091 tỷ đồng, đến nay đã tạm phân bổ 1.035 tỷ đồng về 26 tỉnh, TP bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Số tiền phân bổ đó được sử dụng vào các nhiệm vụ cấp bách trước mắt, như: hỗ trợ cho gia đình có người chết, mất tích, bị thương do bão lũ; hỗ trợ xây dựng nhà bị đổ sập, hư hỏng do bão lũ; hỗ trợ lương thực, thực phẩm để người dân không bị thiếu đói; hỗ trợ học sinh sớm quay trở lại trường học…
Sau khi tình hình đã ổn định hơn, các cơ quan liên quan, địa phương sẽ tổng hợp thiệt hại, từ đó lên phương án hỗ trợ, phân bổ đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp thực tiễn nhưng cũng cần linh hoạt.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì họp báo (ảnh: Quang Vinh)Nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn đóng góp hỗ trợ, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị các cơ quan báo chí cùng tham gia giám sát và khẳng định nếu nhà báo, phóng viên phát hiện tình trạng sử dụng nguồn tiền này không đúng mục đích, không hiệu quả thì sẽ được hưởng cơ chế thưởng.
Đặc biệt, nhằm bảo đảm toàn bộ tiền quyên góp, ủng hộ đến đúng đối tượng, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị, toàn bộ chi phí trong việc tiếp nhận, phân bổ, văn phòng phẩm liên quan đều phải dùng ngân sách nhà nước, không được dùng nguồn tiền quyên góp, ủng hộ. Đồng thời, niêm yết công khai danh sách các gia đình, hộ dân được thụ hưởng tại UBND xã. Phấn đấu thực hiện công khai, minh bạch cả đầu tiếp nhận và đầu phân bổ. “Phân bổ hiện nay đã công khai việc chuyển cho các tỉnh và sẽ tiếp tục công khai theo bậc T.Ư, sau đó đến tỉnh, huyện, xã, người dân. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo tăng cường giám sát, trong đó tại kỳ họp HĐND cuối năm, MTTQ Việt Nam địa phương có báo cáo cụ thể việc nhận được bao nhiêu, sử dụng thế nào để HĐND giám sát...” - ông Chiến thông tin.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trả lời các câu hỏi của báo chí (ảnh: Quang Vinh)Nắm bắt, tập hợp ý kiến của cử tri, nhân dân trên môi môi trường số
Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi liên quan vai trò và phương hướng của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới trong việc thực hiện các nhiệm vụ để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X cho biết, trong 7 nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phải đưa ra những chương trình, những nội dung làm sao phát huy được sức mạnh trong Nhân dân, bao gồm cả nhân tài, tiền tài, vật lực và sự đồng thuận của Nhân dân. “Mặt trận xác định trong thời kỳ tới, sẽ tập hợp, vận động, thuyết phục Nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, ủng hộ các chương trình, dự án lớn của Đảng và Nhà nước để bước vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc”- ông Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Quang cảnh họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X (ảnh: Quang Vinh)Cũng tại cuộc họp báo, trước sự quan tâm của báo chí về một trong những chương trình hành động của Đại hội nhiệm kỳ tới là đổi mới công tác Mặt trận, nhất là chuyển đổi số trong hoạt động Mặt trận, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, MTTQ Việt Nam xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng để có thể tăng cường, thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam; Ban Thường trực đã chỉ đạo, cùng phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan đã hoàn thiện dự thảo về Đề án chuyển đổi số. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ tới; đồng thời sẽ thực hiện chung với Đề án chuyển đổi số của các ban Đảng, các cơ quan T.Ư.
“Trong Đề án chuyển đổi số, chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện mạnh mẽ trong công tác tham mưu chuyên môn, nắm bắt tập hợp ý kiến của cử tri, của Nhân dân trên môi trường mạng, môi trường số; tăng cường hơn vai trò của Nhân dân trong tham gia giám sát, phản biện xã hội. Trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng có nhiều ứng dụng dự kiến thực hiện chuyển đổi số. Mục tiêu là thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn tới”- bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Đề án dự kiến sẽ có sự tham gia của MTTQ các cấp ở địa phương, các tổ chức thành viên; sắp tới được trình và thực hiện chung trong Đề án chuyển đổi số của các cơ quan Đảng ở T.Ư, cùng với Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở T.Ư.
Đăng thảo luận