Đặt câu hỏi mở, tập trung lắng nghe và tôn trọng... là những cách bắt đầu cuộc trò chuyện, giúp nam giới vượt qua khó khăn về sức khỏe tâm thần, tránh dẫn đến những kết cục đáng tiếc.

Thập kỷ qua, xã hội đã có những bước tiến lớn trong việc thảo luận về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp khó khăn khi mở lòng hoặc biết cách tiếp cận chủ đề này với người khác. Theo tổ chức từ thiện Movember, ba trong bốn vụ tự tử ở Anh là nam giới. Trung bình, mỗi phút trên thế giới có một người đàn ông tự tử.

Thực tế, đàn ông cũng như nữ giới, đều có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe tâm thần. Theo Brightside, hơn 30% đàn ông bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời, khoảng 9% trải qua cảm giác chán nản hoặc lo lắng hàng ngày. Để giải quyết vấn đề, đa số chọn cách im lặng chịu đựng mà không đến viện điều trị, cho đến khi bệnh nặng.

Một nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội mới đây ghi nhận 25% số nam giới được hỏi cho biết gặp áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% chịu áp lực sự nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tinh thần.

Theo Sarah McIntosh, giám đốc điều hành của Sơ cứu Sức khỏe Tinh thần (MHFA) ở Anh, nam giới đặc biệt gặp khó khăn trong việc nói về cảm xúc của mình. Những định kiến truyền thống cho rằng suy nghĩ thể hiện cảm xúc là dấu hiệu của sự yếu đuối đang tạo ra sự kỳ thị và ngăn cản các cuộc trò chuyện cứu mạng. Do đó, cần phải chủ động hơn nếu nhận thấy một người bạn, bất kể giới tính, đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần hoặc có hành vi tự tử.

Tom Ellis, giám đốc Sáng kiến Sức khỏe Nam giới trẻ tại Movember, chia sẻ cách để có một cuộc trò chuyện cởi mở và chân thành về sức khỏe tâm thần.

Bắt đầu nhẹ nhàng

Không nên bất ngờ tiếp cận bạn bè với một cuộc trò chuyện nghiêm túc khi họ chưa sẵn sàng. Ellis gợi ý tránh việc hỏi quá nghiêm túc hoặc trực tiếp ngay từ đầu. Thay vì bắt đầu bằng "Tôi lo lắng về bạn", hãy thử nhắc đến điều gì đó liên quan về họ để dẫn dắt vào các chủ đề khó khăn hơn.

Cách nói chuyện giúp nam giới trầm cảm mở lòng  第1张

Nam giới đặc biệt gặp khó khăn trong việc nói về cảm xúc của mình. Ảnh: Independent

Đặt câu hỏi mở

Đặt câu hỏi mở để người kia có cơ hội chia sẻ nhiều hơn. Ví dụ: "Dạo này cảm thấy thế nào? Có đang nghĩ gì không?" Thay vì những câu như "Bạn ổn không?", dễ bị trả lời bằng một từ.

Ellis gợi ý các câu mở đầu sau:

- Dạo này bạn cảm thấy thế nào?

- Đang nghĩ gì thế?

- Công việc dạo này thế nào?

- Dạo này làm gì rồi?

Giọng điệu cũng rất quan trọng trong những cuộc trò chuyện này.

"Không chỉ là hỏi gì, mà còn là hỏi như thế nào", Ellis nói. "Hãy nhẹ nhàng, kiên nhẫn và tử tế. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái và khuyến khích họ mở lòng".

Nếu cảm thấy thoải mái, việc chia sẻ về những khó khăn của chính mình cũng có thể giúp bắt đầu cuộc trò chuyện.

Lắng nghe câu chuyện

Nếu họ bắt đầu chia sẻ, hãy cố gắng kiềm chế không nhảy vào cho lời khuyên hay giải pháp. Điều quan trọng là tạo không gian để họ mở lòng và biết họ đang được lắng nghe.

Một mẹo để cho thấy bản thân đang lắng nghe là thỉnh thoảng lặp lại những gì họ đã chia sẻ và hỏi xem đã hiểu đúng chưa, Ellis khuyến nghị. Chỉ cần đặt câu hỏi cũng cho thấy sự chú ý và lắng nghe.

Chú ý ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể đôi khi có thể mạnh mẽ hơn lời nói, vì vậy hãy đảm bảo cơ thể dành toàn bộ sự chú ý cho cuộc trò chuyện. Ellis khuyên: "Hãy đặt điện thoại xuống và cho thấy chúng ta chuẩn bị lắng nghe. Ngôn ngữ cơ thể có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giúp ai đó cảm thấy thoải mái khi nói chuyện".

Ngoài ra, nói chuyện vai kề vai hoặc trong khi thực hiện một hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ có thể rất hữu ích. Việc không cần tiếp xúc mắt trực tiếp có thể giảm áp lực, làm cho cuộc trò chuyện bớt căng thẳng và tạo ra không gian thoải mái hơn cho những cuộc trò chuyện cởi mở và dễ tổn thương.

Tôn trọng ranh giới cá nhân

Tôn trọng ranh giới cá nhân và biết cách "đọc tình huống" cũng rất quan trọng. Đừng cố ép buộc cuộc trò chuyện, thay vào đó nhắc nhở bản thân luôn sẵn sàng lắng nghe khi họ cần. Luôn có những cơ hội khác để trò chuyện.

Thanh Thúy (Theo Independent)