Tôi có thói quen uống một cốc nước muối pha loãng vì cảm thấy cơ thể khỏe khoắn, hưng phấn hơn, điều này có nên? (Long, 36 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Việc một số người cảm thấy khỏe khoắn hơn khi uống nước muối chỉ là cảm giác tạm thời, không có giá trị sức khỏe thực sự. Thực tế, khi tiêu thụ muối, huyết áp tăng lên, máu được bơm nhanh đến các cơ quan, tạo cảm giác hưng phấn giả tạo. Tuy nhiên, nếu kéo dài thói quen này sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường.
Ăn nhiều muối làm tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 2g natri mỗi ngày (tương đương 5g muối). Tuy nhiên hiện nay, người Việt Nam tiêu thụ gần gấp đôi lượng muối này, khoảng 9,5g/ngày. Đặc biệt, nếu ăn quá nhiều, uống nước muối đậm đặc với lượng muối cao, ngay cả người khỏe mạnh cũng có nguy cơ suy thận, suy tim nghiêm trọng.
Ở bệnh nhân suy thận và tăng huyết áp, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng nhu cầu uống nước, làm tăng khối lượng tuần hoàn và tạo áp lực lên tim, dẫn đến tình trạng suy tim. Ngoài ra, nồng độ natri quá cao còn gây rối loạn hấp thu canxi, tiềm ẩn nguy cơ loãng xương, rối loạn thần kinh và các cơn run chân tay do thiếu canxi, nguy cơ tử vong.
Người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm.
Ảnh minh họa. Ảnh: Pexels
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh
Hội bệnh mạch máu Việt Nam
Đăng thảo luận