Để giúp doanh nghiệp "quen" trúng các gói thầu, cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam chỉ đạo thực hiện lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định.
Ông Nguyễn Đức Thái, cựu chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (bìa trái), cùng ba bị can - Ảnh: Bộ Công an
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Thái, cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo Dục), về tội nhận hối lộ.
Hai bị can Tô Mỹ Ngọc, cựu chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Nguyễn Trí Minh, giám đốc Công ty Minh Cường Phát, đều bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ…
Cùng vụ án, 5 người khác bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Làm trái quy định để hạn chế sự tham gia của nhà thầu có năng lực
Bản kết luận điều tra cho thấy ông Thái có mối quan hệ "đặc biệt" với bà Ngọc và ông Minh.
Từ năm 2017-2022, hai người này nhiều lần đến tận phòng làm việc của ông Thái gặp gỡ, nhờ vả, tặng quà, "cảm ơn" hàng chục tỉ đồng để được tạo điều kiện cho tham gia, trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa.
Theo kết luận điều tra, việc mua giấy in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của Nhà xuất bản Giáo Dục, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh.
Trước năm 2017, Nhà xuất bản Giáo Dục đều áp dụng hình thức "chào giá", không thuộc các trường hợp theo quy định của Luật Đấu thầu để thực hiện mua sắm giấy in. Đơn vị được lựa chọn ký hợp đồng cung cấp giấy là đơn vị báo giá thấp nhất.
Theo quy định pháp luật, Nhà xuất bản Giáo Dục không thuộc trường hợp bắt buộc phải thực hiện theo các hình thức của Luật Đấu thầu, mà có thể tự ban hành quy định riêng về hoạt động mua sắm để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp.
Kết luận điều tra xác định, từ tháng 3-2017, ông Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là chủ tịch hội đồng thành viên kiêm đại diện pháp luật của Nhà xuất bản Giáo Dục.
Trên cương vị này, theo đề nghị của Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh, ông Thái đã chỉ đạo thực hiện lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực.
Cụ thể, tháng 5 và tháng 6-2017, bà Ngọc và ông Trí đến gặp Nguyễn Đức Thái, giới thiệu là các công ty từng cung cấp giấy cho Nhà xuất bản Giáo Dục.
Ngọc và Minh đặt vấn đề, được Thái đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ hai công ty được tiếp tục tham gia cung cấp giấy cho Nhà xuất bản Giáo Dục.
Để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu và tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được tham gia dự thầu, ông Thái chỉ đạo cấp dưới tổ chức mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn.
Từ đó, năm 2017, Nhà xuất bản Giáo Dục áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn để tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 7 gói thầu, tổng trị giá gần 430 tỉ đồng.
Tuy nhiên, các gói thầu đều có giá trị lớn hơn 1 tỉ đồng, trái quy định Luật Đấu thầu và nghị định 63 của Chính phủ.
Từ năm 2018, Nhà xuất bản Giáo Dục không tiếp tục áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn để lựa chọn nhà thầu cung ứng giấy in.
Ông Nguyễn Đức Thái thời điểm còn đương chức - Ảnh: Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam
Tiết lộ thông tin gói thầu cho doanh nghiệp "quen" trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu
Cơ quan điều tra còn cáo buộc ông Thái có hành vi tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, thông đồng, hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo Dục.
Qua đó, Thái đã nhiều lần nhận tổng cộng 24,9 tỉ đồng hối lộ của Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh.
Theo đó, dựa trên hồ sơ năng lực của các đơn vị gửi đến, cấp dưới của ông Thái đã lập danh sách ngắn (bao gồm ít nhất 3 nhà cung cấp có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, có nhu cầu tham dự) các nhà thầu để gửi yêu cầu báo giá, hồ sơ yêu cầu rồi trình ông Thái phê duyệt.
Chưa dừng lại, giữa tháng 8-2017, trước khi ký yêu cầu báo giá và phát hành hồ sơ yêu cầu, Thái chỉ đạo cấp dưới cung cấp thông tin các gói thầu cho Tô Mỹ Ngọc.
Thực hiện theo chỉ đạo của ông Thái, cấp dưới đã hẹn gặp bà Ngọc tại một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo để cung cấp cho bà này một bảng thông tin gồm thông số kỹ thuật các loại giấy, số lượng các gói thầu, địa điểm các kho giao hàng.
Cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam nhận hối lộ gần 25 tỉ đồng
Nhà xuất bản Giáo Dục ‘lạm dụng độc quyền sách giáo khoa’, giá sách cao bất hợp lý
Việc này nhằm giúp bà Ngọc chuẩn bị hàng hóa, giá dự thầu của các gói thầu mà Công ty Phùng Vĩnh Hưng tham gia.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, việc cấp dưới của ông Thái cung cấp thông tin của các gói thầu cho bà Ngọc trước khi phát hành hồ sơ là trái quy định pháp luật.
Đáng chú ý, trước khi ký thông báo mời thầu, ông Thái gọi điện cho bà Ngọc hỏi trước về giá dự kiến công ty của bà này bỏ thầu để đảm bảo chắc chắn công ty của Ngọc trúng thầu.
Sau khi ông Thái ký phát hành, cấp dưới chỉ gửi hồ sơ yêu cầu và bản yêu cầu báo giá 6 gói thầu giấy in cho các công ty trong danh sách ngắn (gồm 6 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát - PV).
Đến ngày 23-8-2017, tổ tư vấn triển khai lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư tổ chức mở 6 bộ hồ sơ tham gia chào hàng và tiến hành chấm thầu.
Các nhà thầu đáp ứng tính hợp lệ của hồ sơ chào hàng, kỹ thuật loại giấy của từng gói thầu sẽ được tham gia đánh giá thương mại.
Trong đó, Công ty Minh Cường Phát tham gia 5/6 gói thầu, Công ty Phùng Vĩnh Hưng tham gia 3/6 gói thầu.
Đến ngày 29-8, ban chỉ đạo, tổ tư vấn lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư triển khai họp thông qua kết quả chấm thầu.
Nhờ sự giúp đỡ của ông Thái, Công ty Phùng Vĩnh Hưng trúng ba gói thầu, Công ty Minh Cường Phát trúng một gói thầu.
Hai gói thầu còn lại Công ty Năng lượng Việt Nam trúng thầu. Ba công ty khác không trúng gói thầu nào.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định ông Thái còn có hành vi chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ quân xanh, hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để Công ty Minh Cường Phát trúng thêm gói thầu số 7.
Đăng thảo luận