Người có thói quen "phông bạt" trên mạng đâu chỉ nhận lấy chỉ trích, tẩy chay từ cộng đồng mà còn nguy cơ rắc rối với pháp luật...
Minh họa: DAD
"Phông bạt" được hiểu tiêu cực là cách che giấu cái bên trong xoàng xĩnh, không đúng bản chất. Ngôn ngữ dân dã của người Nam Bộ, miền Tây cũng dùng từ "làm màu".
"Phông bạt", "làm màu" rõ ràng không phải là trò vui. Cần nhận thức rõ về những hậu quả pháp lý của hành vi, tránh vi phạm."Đùa" chứng chỉ ngoại ngữ, hóa đơn chuyển khoản
Một lần lướt TikTok xem các video dạy ngoại ngữ, tôi bất ngờ khi một người dạy đăng tải file âm thanh phần Speaking (thi nói) của học sinh trung tâm khi đi thi IELTS. Ai nấy không khỏi bất ngờ bởi các cuộc thi chứng chỉ ngoại ngữ rất nghiêm ngặt, cấm tuyệt đối việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.
Bên dưới video thậm chí có tài khoản khác bình luận ẩn ý rằng chủ kênh có quan hệ rộng có thể làm được chuyện này. Chủ kênh sau đó thú nhận đây chỉ là phần ghi âm thi thử của thí sinh trung tâm (trước khi đi thi), không phải từ phòng thi. Một tiểu xảo có chủ ý nhằm nâng uy tín, lòng tin, thu hút học viên đến trung tâm học.
Năm 2022, thông tin một cô gái Việt Nam được cho là người trẻ nhất đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi chứng chỉ IELTS khiến xã hội, nhất là cộng đồng ngoại ngữ rất quan tâm. Thế nhưng, sau đó thật thất vọng khi người này bị phát hiện dùng photoshop tự chỉnh sửa điểm thi của mình để "làm màu" với đời trên mạng.
Cụm từ "phông bạt" (làm màu) cũng vừa được nhắc đến nhiều sau khi cơ quan chức năng minh bạch thông tin đóng góp từ thiện. Không ít người phải "muối mặt", nhận lỗi vì đã phóng đại số tiền đã chuyển hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi.
Để tránh lộ lọt thông tin trên mạng, người ta thường chỉnh sửa ảnh che số tiền đã chuyển. Trái khoáy khi đây cũng lại thành chiêu trò "phông bạt" của không ít người. Có người nổi tiếng chụp ảnh khoe hóa đơn chuyển khoản từ thiện nhưng cố tình dùng ký hiệu có vẻ như đã che nhiều con số, gợi cho người khác nghĩ gửi số tiền rất lớn. Đến khi cơ quan chức năng công bố tài liệu sao kê mới lộ ra số tiền được "phông bạt" lên đến... 100 lần so với thực tế.
Và có những người đóng góp từ thiện 10.000 đồng, 100.000 đồng nhưng trước đó lại mạnh miệng khoe khoang trên mạng... 100 triệu đồng.
Đặt cược với danh dự, uy tín
Mượn sức mạnh của mạng xã hội để "phông bạt" là hành động chơi dao có ngày đứt tay. Trò vui (nếu có) là... có hại. Hậu quả không chỉ đến từ phong ba bão táp chỉ trích nhận về của cộng đồng mạng. Cái giá đắt khi đùa với danh dự, uy tín của bản thân.
Như trường hợp cô gái chọn "phông bạt" điểm thi tiếng Anh để nổi tiếng ồn ào trên mạng. Thật bẽ mặt vô cùng khi mới đó còn tự hào trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông rồi đã phải khóa tài khoản, nói lời xin lỗi. Nặng nề nhất là xin lỗi với đấng sinh thành vì việc làm dại dột của mình.
Từng có những người dạy tiếng Anh bị phát hiện chỉnh sửa chứng chỉ, làm giả, nói dối về điểm số, bằng cấp ngoại ngữ xảy ra năm 2020. Cô này đã chỉnh sửa điểm thi IELTS từ 6.5 lên 8.0. Cười ra nước mắt, mất tiền và thiệt hại tinh thần lớn lao cho người học. Có những học viên đã chọn cô với mong muốn học với giáo viên rất giỏi để nâng cao điểm số, dè đâu phải "thọ giáo" người điểm thấp hơn mình.
Các kiểu "phông bạt" khi bị bóc trần trụi sẽ để lại vết gợn trong lý lịch của người trong cuộc. Nhưng sâu xa hơn, hành vi chỉnh sửa, gian dối kiểu này gây tổn hại đến lòng tin của cộng đồng.
Bộ Công an mới đây cho biết sẽ tiếp nhận, giải quyết khi có cá nhân, tổ chức gửi tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi làm giả hóa đơn chuyển khoản ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bão lũ. Sửa số tiền để đưa lên mạng xã hội nhằm "đánh bóng" tên tuổi còn là việc vi phạm pháp luật.
Đó chính là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tùy thuộc vào tính chất mức độ và hậu quả, người liên quan có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đăng thảo luận