Các nhà khởi nghiệp Thái Lan đang để ý đến Việt Nam nhiều hơn bởi nguồn nhân lực tại thị trường này.
Các diễn giả, nhà khởi nghiệp quốc tế đánh giá cao nguồn nhân lực ở thị trường Việt Nam - Ảnh: N.BÌNH
Tại Hội nghị Techsauce Global Summit 2024 (Hội nghị quốc tế Techsauce 2024) diễn ra ở TP.HCM ngày 10-10, giới khởi nghiệp khu vực đã bàn về vai trò thiết yếu của ngành công nghệ trong việc thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế địa phương và khuyến khích các nỗ lực hợp tác nhằm xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam.
Bà Oranuch (Mimee) Lerdsuwankij, CEO Techsauce, cho biết xây dựng hợp tác giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và Thái Lan đang có nhiều lợi thế với dòng vốn đầu tư giữa hai nước đang tăng nhanh.
Các nhà khởi nghiệp quốc tế cũng như Thái Lan luôn tìm kiếm nhân tài công nghệ tại thị trường này, đây là lợi thế mà Việt Nam đang vượt trội hơn so với nhiều thị trường khác.
Tuy vậy, để thu hút vốn vào khởi nghiệp, bà Lerdsuwankij cho rằng khu vực Đông Nam Á cần đoàn kết tạo thương hiệu điểm đến cho các nhà đầu tư.
Có thể các khoản đầu tư của các nước châu Âu hay Úc... bắt đầu từ Việt Nam, sau đó mở rộng ra Thái Lan, Indonesia... và ngược lại, nhưng dù theo cách nào thì giới khởi nghiệp Đông Nam Á cần đoàn kết để xây dựng một thị trường của khu vực, chứ không nên chia nhỏ theo quốc gia.
TIN LIÊN QUANTP.HCM chính thức có Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ tập trung vào cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam
"Các chương trình của giới khởi nghiệp hiện nay không chỉ tập trung vào một quốc gia mà luôn đặt mục tiêu toàn khu vực và các nhà khởi nghiệp cũng cần có tư duy khởi nghiệp này", CEO của Techsauce khẳng định.
Ông Thanussak Thanyasiri, giám đốc điều hành KBTG Việt Nam, công ty chuyên về công nghệ, đánh giá việc giải phóng tiềm năng công nghệ ở Đông Nam Á không dừng lại ở việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật, mà còn là khai phá tiềm năng đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển của con người.
Khi công nghệ trở thành công cụ, chính con người và tư duy đổi mới trở thành yếu tố then chốt, định hình một nền kinh tế số phát triển bền vững cho khu vực trong tương lai.
Các phiên thảo luận tại hội nghị đã xoay quanh nhiều chủ đề quan trọng, mang đến góc nhìn toàn diện, cho thấy tiềm năng phát triển của ngành công nghệ tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Điển hình, trong bối cảnh làn sóng AI (trí tuệ nhân tạo) bùng nổ trên toàn cầu, các diễn giả cùng nhau khai phá tác động của nó lên thị trường lao động và cơ hội nghề nghiệp trong ngành. Từ đó, bài toán phát triển nguồn nhân lực công nghệ trong kỷ nguyên AI từng bước được giải đáp.
Theo ông Thanussak Thanyasiri, giám đốc điều hành của KBTG Việt Nam, hiện nay công chúng nói nhiều về AI, nhưng các nghiên cứu cho thấy AI là một cam kết dài hạn.
"Cần ít nhất 6 năm cho một doanh nghiệp có thể bắt đầu nhận ra các lợi ích mà AI có thể đem lại. Việc phát triển và áp dụng AI không chỉ dựa trên sự phấn khích ban đầu do xu hướng tạo ra.
Những cường điệu hay sự thổi phồng quá mức về vai trò của AI tác động đến một doanh nghiệp cần nhiều thời gian hơn thực tế. Dù vậy, AI chắc chắn sẽ thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp", ông Thunassak Thanyasiri chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên hội nghị Techsauce được tổ chức tại Việt Nam với mục tiêu khai thác tiềm năng từ sự hợp tác giữa hệ sinh thái công nghệ Thái Lan và Việt Nam.
Đăng thảo luận