Trong năm 2024, có 4,7 triệu trẻ sơ sinh trên toàn cầu được sinh bởi các bé gái dưới 18 tuổi, trong đó có 340.000 trẻ từ các bé gái dưới 15 tuổi. Điều này đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tương lai của cả mẹ lẫn con.
Ông Lê Thanh Dũng, cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: D.LIỄU
Ngày 26-9, Cục Dân số (Bộ Y tế) và Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26-9.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Lê Thanh Dũng - cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai.
Chủ đề của Ngày Tránh thai thế giới năm nay là "Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước".
Theo ông Dũng, chủ đề này không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản mà còn hướng đến tương lai và hạnh phúc của cả thế hệ trẻ.
Giai đoạn 2015-2019, thế giới ghi nhận mỗi năm có khoảng 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong đó 61% dẫn đến phá thai, với ước tính khoảng 45% số ca phá thai không an toàn.
Lầm tưởng khi phòng tránh thai.
Riêng năm 2024, có 4,7 triệu trẻ sơ sinh - chiếm 3,5% tổng số trẻ sinh ra trên toàn cầu - được sinh bởi các bà mẹ dưới 18 tuổi.
Trong đó có 340.000 trẻ từ các bé gái dưới 15 tuổi sinh ra, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tương lai của cả mẹ lẫn con.
Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy dân số mỗi năm tăng thêm gần 1 triệu người, với khoảng 25 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi). Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, tỉ suất sinh ở vị thành niên (15-19 tuổi) vẫn ở mức cao, với 42 trẻ sinh ra sống trên mỗi 1.000 phụ nữ. Khu vực trung du và miền núi phía Bắc có tỉ lệ cao nhất (115/1.000), tiếp theo là Tây Nguyên (76/1.000) - những nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số.
Trước tình hình này, ông Dũng khẳng định: "Việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu kế hoạch hóa gia đình là một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác dân số.
Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại và giảm 2/3 số trường hợp vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn".
Tại chương trình, ông Phạm Văn Nhất, chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, cũng chia sẻ cần đẩy mạnh việc truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên phù hợp với từng lứa tuổi, từng đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Đồng thời đảm bảo mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được tiếp cận thông tin và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thuận tiện, an toàn và có chất lượng.
"Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nhất định trong việc phổ biến giáo dục sinh sản, phòng tránh thai. Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa việc tránh mang thai ngoài ý muốn, đặc biệt là ở thế hệ trẻ.
Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe, hạnh phúc của giới trẻ và sự phát triển bền vững của đất nước", ông Nhất nói.
Đăng thảo luận