Sự cố cập nhật phầm mềm của Microsoft hôm 19/7 khiến hàng triệu màn hình hiển thị toàn cầu tê liệt, hàng nghìn chuyến bay của Delta Airlines bị hủy.

Các công ty trên toàn cầu bị ảnh hưởng khi bản cập nhật phần mềm CrowdStrike của Microsoft bị lỗi hôm 19/7 khiến máy tính và hệ thống Microsoft Windows toàn cầu bị sập và biến thành màn hình màu xanh. Sự cố làm tê liệt hoạt động kinh tế toàn cầu, từ chăm sóc sức khỏe, tài chính và cả giao thông vận tải.

Sự cố ngừng hoạt động tạm thời đã làm tê liệt ngành hàng không, nhưng Delta bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hoạt động của hãng hàng không lâu lời nhất Mỹ đã ngừng hoạt động trong gần một tuần trong khi các đối thủ cạnh tranh có thể hoạt động trở lại sau một hoặc hai ngày.

Hãng hàng không Mỹ bị kiện sau sự cố 'màn hình xanh' của Microsoft  第1张

Màn hình hiển thị thông báo lỗi màu xanh tại tầng khởi hành của sân bay LaGuardia ở New York ngày 19/7. Ảnh: AP

Họ phải hủy khoảng 7.000 chuyến bay trong năm ngày do các hệ thống quan trọng bị tê liệt do sự cố. Điều này cũng dẫn đến một làn sóng kiện tụng khổng lồ mà hãng hàng không đang đối mặt.

Vụ kiện tập thể của các hành khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự cố được đệ trình hôm 6/8 tại Tòa án quận Bắc Georgia, Phân khu Atlanta. Trong đơn, khách hàng cáo buộc Delta đã từ chối hoặc bỏ qua yêu cầu hoàn tiền cho các chuyến bay bị hủy hoặc bị hoãn của họ.

Khiếu nại cũng cho rằng Delta đã không cung cấp cho hành khách bị ảnh hưởng các phiếu ăn, khách sạn và dịch vụ vận chuyển mặt đất và tiếp tục từ chối hoặc bỏ qua các yêu cầu hoàn trả những chi phí phát sinh đó.

"Hơn nữa, Delta đã tách hàng ngàn hành khách khỏi hành lý của họ, khiến nhiều người không có thuốc men, quần áo và các vật dụng cần thiết khác", đơn kiện nêu.

Một nguyên đơn tuyên bố đã chi hàng nghìn USD cho các chuyến bay bị hủy và Delta chỉ bù cho họ một voucher cho các chuyến bay trong tương lai.

Một nguyên đơn khác cho rằng sự chậm trễ và hủy chuyến của Delta khiến anh và vợ bị mắc kẹt ngoài thị trấn mà không có hành lý, khiến họ bỏ lỡ chuyến du lịch kỷ niệm ngày cưới mà họ đã trả 10.000 USD.

Nguyên đơn cho biết anh đã yêu cầu Delta hoàn lại chi phí cho chuyến bay bị hủy, 800 USD chi phí bổ sung đã trả do chuyến đi của họ bị gián đoạn và cho chuyến du lịch. Nhưng việc hãng chỉ hoàn lại 219 USD khiến anh rất phẫn nộ.

Đơn kiện cáo buộc "Delta làm giàu một cách bất chính bằng chính tiền của khách hàng".

Hãng hàng không Mỹ bị kiện sau sự cố 'màn hình xanh' của Microsoft  第2张

Hành khách của Delta cố gắng tìm hành lý của mình sau các chuyến bay bị hủy và hoãn tại Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta vào ngày 22/7/ 2024, tại Atlanta. Ảnh: Fox

Delta không trả lời ngay lập tức về vụ kiện. Nhưng trong hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý, hãng hàng không cho biết sẽ chi 380 triệu USD trong quý 3 cho việc hoàn tiền và bồi thường cho khách hàng liên quan đến sự cố.

Chỉ riêng trong quý này, cổ phiếu Delta đã mất hơn 20% và giảm hơn 6% trong năm. Tổng giám đốc điều hành Delta Ed Bastian cho biết tháng trước sự cố đã khiến hãng hàng không này thiệt hại nửa tỷ USD.

Hôm 8/8, Delta đã gửi đơn kiện CrowdStrike và Microsoft, các công ty công nghệ đứng sau sự cố này. CrowdStrike cũng đã phản pháo, phản tố nhiều nội dung kiện cáo của Delta. Microsoft thông báo sẽ tham gia cùng công ty phần mềm an ninh mạng CrowdStrike để chống lại Delta.

Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cũng đang điều tra lý do tại sao Delta không phục hồi nhanh như các hãng hàng không khác.

Tháng trước, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pete Buttigieg cho biết rằng bộ cũng sẽ xem xét dịch vụ khách hàng của Delta, như đường dây nóng hỗ trợ "không thể chấp nhận được" và các báo cáo rằng trẻ vị thành niên không có người đi kèm bị mắc kẹt tại các sân bay.

Delta Air Lines thành lập năm 1925, là hãng hàng không hoạt động lâu đời nhất của Mỹ và thứ 7 trên thế giới. Hãng có hơn 100.000 nhân viên, với đội tàu gần 1.000 chiếc, khai thác hơn 5.400 chuyến bay mỗi ngày và phục vụ 325 điểm đến tại 52 quốc gia trên 6 châu lục.

Hải Thư (Theo AP, Fox)