Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ... là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, nhưng vẫn giữ được đà tăng trưởng cao 9 tháng đầu năm.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng 7/10, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay kinh tế phục hồi tích cực, dù vừa qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản đặt ra trước đó (6,7%). Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%.
"Dù gặp khó khăn do bão lũ, nền kinh tế vẫn đạt kết quả tích cực trong quý III và 9 tháng", Bộ trưởng Dũng nêu.
Cũng theo ông Dũng, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng 9 tháng cao, như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%). Thậm chí, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi vẫn giữ được GRDP 9 tháng ở mức cao, như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)...
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư phát biểu tại cuộc họp thường kỳ tháng 9, ngày 7/10. Ảnh: VGP
Cơ quan ngành kế hoạch dự báo GDP quý IV khoảng 7,6-8%. Mức này giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%, theo kế hoạch đề ra. Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng kinh tế vẫn đối diện nhiều khó khăn để đạt mục tiêu này.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, bão Yagi ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp, du lịch miền Bắc và gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 81.500 tỷ đồng.
Số liệu cập nhật từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy cơn bão gây ngập úng, thiệt hại cho khoảng 384.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả; khiến 35.000 ha nuôi trồng thủy sản và 11.800 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi. Cùng với đó, nhiều cơ sở lưu trú, du lịch bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa, có thể bỏ lỡ mùa khách du lịch cuối năm. "Các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cần triển khai kịp thời để họ sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng quý IV và đầu 2025", Bộ trưởng Dũng đề nghị.
Ngoài những khó khăn do bão lũ, theo ông Dũng, tốc độ phục hồi đầu tư vẫn chậm, nguồn lực đầu tư của khu vực Nhà nước chưa được kích hoạt hiệu quả. Chưa kể, xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất từ đầu 2025. Nguyên nhân do tình hình thế giới khó lường, gồm xung đột tại Trung Đông, Ukraina, tăng trưởng sức mua tại các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU chậm lại.
"Do đó, thị trường trong nước sẽ là động lực ngày càng quan trọng", ông nói, cho rằng khu vực này cần được khai thác hiệu quả hơn nữa để duy trì tốc độ tăng trưởng, nền kinh tế tăng khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương phối hợp hiệu quả hơn để đạt mục tiêu GDP năm nay trên 7%. Trong đó, ông cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm, Tết Nguyên đán 2025. Các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần được thúc đẩy.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, giảm lãi vay, tăng tín dụng cả năm khoảng 15% và kiểm soát nợ xấu.
Bộ Tài chính cần có các chính sách gia hạn, giảm thuế phí, phấn đấu tăng thu cả năm vượt ít nhất 10% dự toán. Cơ quan này cũng phải sớm đề xuất việc phát hành thêm 100.000 tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.
Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo bộ ngành, địa phương ưu tiên hàng đầu cho tăng trưởng, để "GDP năm nay trên 7%". Cùng đó, các cơ quan này được giao không để thiếu lương, thực phẩm, điện, xăng dầu, vật tư đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng người dân. Các bộ ngành, địa phương có giải pháp tăng sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Phương Dung
Đăng thảo luận