TTO - Đám cháy rừng khổng lồ ở tỉnh Alberta của Canada đã vượt ngoài tầm kiểm soát, tăng gấp đôi diện tích trong cuối tuần qua và đe dọa lan rộng sang tỉnh lân cận cùng các cơ sở khai thác dầu.
Lửa rừng dữ dội liếm vào một đường cao tốc gần Fort McMurray ngày 7-5 - Ảnh: Reuters |
“Đôi lúc phải bị chảy máu mũi thì con người mới thay đổi. Ngọn lửa này sẽ là bàn đạp cho sự thay đổi, ít nhất là cho người Canada |
Giáo sư Mike Flannigan (Đại học Alberta) |
“Không khí ở đó cực kỳ khô, gió tiếp tục đẩy ngọn lửa tiến theo hướng đông bắc về phía khu vực rừng bao phủ” - CNN dẫn lời ông Chad Morrison, quan chức cứu hỏa tỉnh Alberta của Canada.
Đám cháy rừng quanh thành phố dân cư Fort McMurray đã lan rộng hơn 1.000km2 tính đến ngày 6-5, tức tăng lên gấp đôi chỉ sau một ngày và gấp 10 lần quy mô khi mới xảy ra cách đó một tuần.
Các quan chức dự báo sẽ có mưa trong ngày 8 hoặc 9-5. “Ngay cả khi có mưa, lửa vẫn cháy mạnh và chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm” - ông Morrison nhận định, đồng thời cảnh báo ngọn lửa có thể cháy hàng tháng nếu mưa không đủ lớn.
Canada đã huy động mọi nguồn lực cứu hỏa để hỗ trợ Alberta. Khoảng 500 lính cứu hỏa và 15 trực thăng đang chống chọi với đám cháy. Tuy nhiên, tình hình khô nóng và nhiều gió đang cản trở nỗ lực ngăn chặn thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử Alberta.
Máy bay thả chất chống cháy ở Fort McMurray ngày 6-5 - Ảnh: Reuters |
Ngày càng tệ
“Đám cháy đã vượt ngoài tầm kiểm soát” - tỉnh trưởng Alberta Rachel Notley thừa nhận và cho biết thêm ngọn lửa đang tiến về biên giới tỉnh Saskatchewan.
CNN mô tả đám cháy lớn và nóng đến nỗi nó hình thành nên một vùng khí hậu riêng. Những đám mây dông xuất hiện do đám cháy gây ra sấm chớp khiến cháy rừng càng lan rộng thêm.
Thiệt hại do cháy rừng sẽ khiến các công ty bảo hiểm phải chi trả khoản tiền lên tới 9 tỉ CAD. Chính phủ liên bang cũng sẽ phải chi hàng tỉ CAD cho công tác tái thiết khu vực bị ảnh hưởng. |
Chính quyền đang chạy đua với thời gian để kịp di tản người dân (đến nay 80.000 dân đã phải rời bỏ nhà cửa) từ các khu vực tạm trú trong lần sơ tán đầu tiên ở phía bắc Fort McMurray trước ngày 9-5.
“Giống như lái xe băng qua địa ngục. Những đám lửa rất lớn và rất sáng như thể không có thực, cứ như đang trong giấc mơ” - anh Michael Chamberland, cư dân chạy nạn giặc lửa bằng đường bộ, kể lại lúc chạy nạn về phía nam và lo lắng không biết khi nào có thể quay lại và nhà cửa còn gì hay không.
Bà tỉnh trưởng Notley cho biết khoảng 12.000 người đã được di tản bằng máy bay từ các khu vực mỏ dầu cát trong cuối tuần. Chính quyền tỉnh Alberta đã công bố kế hoạch hỗ trợ mỗi người dân 1.250 đôla Canada (CAD) và 500 CAD cho người phụ thuộc để giúp các gia đình mua nhu yếu phẩm.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngọn lửa có thể đe dọa các mỏ khai thác dầu cát lộ thiên, buộc các nhà máy phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hẳn do lo ngại nguy hiểm. Dù vậy, ông Morrison cho rằng ngọn lửa sẽ chỉ chạm đến rìa mỏ dầu Suncor và không đe dọa các mỏ dầu khác ở phía bắc.
Reuters ước tính sản lượng dầu cát của Canada đã giảm một nửa tính đến cuối tuần qua. Điều này có thể ảnh hưởng đến kinh tế của Alberta cũng như kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 2-2016 của Canada, nước vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu.
Cảnh sát Canada đeo mặt nạ phòng khí độc trước khi tác nghiệp chống cháy rừng - Ảnh: Reuters |
Người dân sơ tán được tập trung trong một trại tạm trú thuộc tỉnh Alberta - Ảnh: Reuters |
Bàn tay biến đổi khí hậu
Canada đã điều máy bay không người lái điều tra nguyên nhân cháy rừng. Các máy bay sử dụng máy quay hồng ngoại để xác định khu vực nóng nhất của đám cháy và truy nguồn gốc của nó dựa trên các yếu tố như thời gian và hướng gió.
Tuy nhiên, dù nguyên nhân có là gì, do sét đánh hay do lửa trại, các chuyên gia vẫn cho rằng biến đổi khí hậu đã tiếp tay cho đám cháy kinh hoàng ở Alberta, ít nhất là sự ô nhiễm trong không khí khiến các đám cháy lớn và tai hại hơn.
“Ở Canada, các khu vực bị cháy rừng tăng gấp đôi so với những năm 1970 và chúng tôi đã có công trình khẳng định đây là do biến đổi khí hậu - Đài CNN dẫn lời giáo sư Mike Flannigan của Đại học Alberta - Chúng tôi và các nhà khoa học ở Mỹ cũng nhận thấy rằng nhiệt độ càng tăng thì cháy rừng càng nhiều”.
Nhiệt độ ở Fort McMurray lúc này lên đến 33oC, trong khi mức kỷ lục từng được ghi nhận năm 1945 chỉ là 28oC.
Ông Flannigan cho biết sự ấm lên toàn cầu cũng khiến khoảng thời gian thường xảy ra cháy rừng kéo dài hơn. Khái niệm “mùa cháy rừng” đã không còn bởi “gần đây cháy rừng cũng xảy ra vào tháng 12 và biến đổi khí hậu đã khiến mùa cháy rừng dài hơn 78 ngày so với những năm 1970”.
Nhiệt độ cao làm xuất hiện nhiều sấm sét - thủ phạm gây ra nhiều vụ cháy rừng. “Tuyết tan sớm hơn cũng làm kéo dài mùa cháy rừng” - giáo sư David Martell của Đại học Toronto giải thích thêm trên Washington Post.
Đăng thảo luận