Tàu hỏa một mình một đường, chẳng giành đường với ai, nhưng lại hay xảy ra tai nạn.
Mỗi khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các điểm giao cắt đường sắt, tôi không khỏi đặt câu hỏi: Tại sao, dù đã có hàng rào chắn, còi báo hiệu inh ỏi, vẫn có nhiều người bất chấp nguy hiểm, cố tình băng qua đường sắt?
Trong thời gian gần đây, tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi này:
- Vụ ôtô va chạm tàu hỏa làm hai người chết ở Biên Hòa, Đồng Nai.
- Băng qua đường sắt đúng lúc tàu hỏa đi tới, ôtô bốn chỗ bị tàu hỏa đâm trúng, kéo lê khoảng 10 m tại TP Vĩnh Yên, chiều 9/7.
- Tàu hỏa chạy đến huyện Hàm Thuận Bắc đã va chạm và đẩy xe bán tải hơn 200 m, tài xế ôtô bị thương, chiều 30/8.
Và vụ mới nhất xảy ra rạng sáng nay 4/9, xe tải biến dạng sau va chạm với tàu hỏa.
Tàu hỏa có đường ray chạy riêng, ngày giờ chạy đã có thông báo, tại mỗi gác chắn đều có nhân viên túc trực canh gác. Tàu hỏa chẳng giành đường với các phương tiện khác, nhưng va chạm vẫn thường xuyên xảy ra. Tàu phải dừng lại xử lý, tốn thời gian của nhiều người.
Trước hết, phải kể đến ý thức kém của nhiều người đi đường. Họ coi thường luật giao thông, chủ quan cho rằng mình có thể kịp qua đường trước khi tàu đến. Tâm lý vội vàng, hấp tấp, muốn tiết kiệm thời gian cũng là một nguyên nhân đáng kể.
Họ cho rằng mình có thể "vượt ẩu" một lần, những suy nghĩ sai lầm này đã dẫn đến những hậu quả khôn lường, như chúng ta đã thấy trong các bản tin kể trên.
Tôi cho đây là một sự liều lĩnh và chủ quan. Trước khi đi qua nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt, các tài xế nên hạ kính xe, nghe ngóng tình hình để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và người khác.
Trên đường ray, không phải lúc nào cũng có tàu chạy ngang, nhưng sự ỷ y, chủ quan kiểu "cứ vượt đại một lần, chắc chẳng sao đâu" không được xuất hiện trong suy nghĩ của các tài xế.
Hữu Quang
Đăng thảo luận