Trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao một nước là bất khả xâm phạm, nhưng người Ecuador đã xông vào Đại sứ quán Mexico để bắt cựu phó tổng thống Ecuador bị cáo buộc tham nhũng đang trốn ở trong.
Đặc nhiệm Ecuador trèo hàng rào để vào trong Đại sứ quán Mexico bắt ông Jorge Glas hôm 5-4 - Ảnh: AFP
Ecuador đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ Liên Hiệp Quốc và khắp châu Mỹ Latin, sau vụ xông vào Đại sứ quán Mexico ở Quito để bắt giữ cựu phó tổng thống Ecuador bị cáo buộc tham nhũng Jorge Glas hôm 5-4.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi hai nước bình tĩnh
Trong tuyên bố ngày 7-4, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres - xác nhận ông Guterres đã được "báo động" sau vụ việc.
Theo ông Dujarric, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh việc duy trì quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở ngoại giao là rất quan trọng, và điều này phải được tôn trọng "trong mọi trường hợp, phù hợp với luật pháp quốc tế".
"Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh rằng việc vi phạm nguyên tắc này sẽ gây nguy hiểm cho việc theo đuổi quan hệ quốc tế bình thường, vốn rất quan trọng cho sự thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia", ông Dujarric nói thêm.
Ông Guterres kêu gọi cả Ecuador và Mexico thể hiện sự "ôn hòa", "giải quyết những khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình", theo Hãng thông tấn AFP.
Trước đó, các lực lượng đặc biệt Ecuador cùng với xe đặc chủng đã bao vây Đại sứ quán Mexico tối 5-4 (giờ địa phương) để bắt giữ cựu phó tổng thống Jorge Glas. Ông này bị cáo buộc tham nhũng nhưng trốn vào trong Đại sứ quán Mexico từ tháng 12 năm ngoái, khiến chính quyền Quito không làm gì được.
Ecuador dường như đã mất kiên nhẫn và không còn bình tĩnh sau khi ông Jorge Glas được Mexico cấp quy chế tị nạn ngày 5-4.
Ít nhất một đặc vụ được cho là đã trèo qua nhiều bức tường của Đại sứ quán Mexico, đánh dấu cuộc đột kích gần như chưa từng có tiền lệ vào một trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở nước tiếp nhận.
Các địa điểm như vậy được coi là nơi bất khả xâm phạm theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961.
Mỹ khẳng định lên án bất kỳ hành vi nào vi phạm Công ước Vienna 1961, nhưng nói thêm rằng cả Mexico và Ecuador đều là "đối tác quan trọng" với nước này. Do đó, Washington kêu gọi hai nước "giải quyết những khác biệt phù hợp với các chuẩn mực quốc tế".
Mexico đòi đưa Ecuador ra tòa quốc tế
Biểu tình phản đối Ecuador bên ngoài đại sứ quán nước này ở Mexico ngày 6-4 - Ảnh: AFP
Vụ việc đã khiến Mexico nhanh chóng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador và dọa sẽ có hành động pháp lý.
"Đây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mexico", Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador viết trên mạng xã hội X.
Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết bà bị sốc trước việc Ecuador đột nhập vào đại sứ quán nước mình, gọi đây là "một cuộc tấn công bạo lực" do cảnh sát sở tại thực hiện.
"Chúng tôi sẽ kiện lên Tòa án Công lý quốc tế, tất cả các cơ quan khu vực và quốc tế có liên quan sau hành vi vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng và trắng trợn này", ngoại trưởng Mexico tuyên bố.
Bạo loạn rùng rợn trong tù ở Ecuador: 43 người chết, hơn 100 tù nhân trốn trạiĐỌC NGAY
Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội X còn cho thấy cảnh phó đại sứ Mexico Roberto Canseco bị cảnh sát quật ngã, khi ông này cố gắng ngăn chặn đoàn xe cảnh sát Ecuador chở ông Jorge Glas rời đi.
"Sao lại có thể như vậy, không thể nào. Chuyện này thật điên rồ!", ông Canseco run rẩy khi nói với truyền hình địa phương, theo Hãng tin Reuters.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mexico, các nhân viên ngoại giao và gia đình của họ sẽ rời Ecuador trên một chuyến bay thương mại trong ngày 7-4, đồng thời cho biết thêm rằng một số nhân viên ngoại giao từ "các quốc gia thân thiện và đồng minh" sẽ đi cùng đến sân bay.
Vụ việc ngày 5-4 được xem như giọt nước tràn ly sau những căng thẳng ngoại giao liên tục giữa Ecuador và Mexico thời gian qua.
Chính quyền Quito đã tỏ ra khó chịu khi Tổng thống Mexico Lopez Obrador so sánh sự gia tăng tội phạm ở Mexico trước cuộc bầu cử tháng 6 sắp tới với bạo lực bầu cử năm 2023 ở Ecuador, trong đó ứng cử viên nổi tiếng Fernando Villavicencio đã bị ám sát.
Trước đó Tổng thống Daniel Noboa, người vừa lên nắm quyền ở Ecuador vào tháng 11-2023, đã tuyên bố sẽ trấn áp bạo lực ma túy và xem đây như một lời hứa với những người đã bỏ phiếu cho mình.
Vị tổng thống 36 tuổi mô tả bình luận của người đồng cấp Mexico là một sự xúc phạm, và đã trục xuất đại sứ Mexico. Nhưng hiện đại sứ Mexico vẫn chưa rời khỏi Quito, theo Reuters.
Cựu phó tổng thống Ecuador vừa bị bắt là ai?
Cựu phó tổng thống Ecuador Jorge Glas bị cảnh sát áp tải sau khi bị bắt từ Đại sứ quán Mexico - Ảnh: AFP
Ông Jorge Glas, 54 tuổi, là phó tổng thống dưới thời Tổng thống Rafael Correa từ năm 2013 đến 2017.
Ông này vừa ra tù tháng 11 năm ngoái, sau thời gian thụ án vì nhận hàng triệu USD tiền lại quả trong một vụ bê bối lớn liên quan đến tập đoàn xây dựng khổng lồ Odebrecht của Brazil.
Cựu phó tổng thống sau đó đối mặt với một lệnh bắt giữ khác vì bị cáo buộc tham ô tiền dành cho nỗ lực tái thiết sau trận động đất kinh hoàng năm 2016 ở Ecuador.
Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Ecuador cho biết ông Jorge Glas đã được chuyển đến một nhà tù có an ninh tối đa ở thành phố cảng Guayaquil.
Trước đó Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfeld cáo buộc Mexico can thiệp vào "công việc nội bộ" của Quito bằng cách cấp quy chế tị nạn cho ông Jorge Glas. Cuộc đột kích, theo bà Sommerfeld, là hợp lý vì "có nguy cơ thực sự" là ông Jorge Glas sẽ trốn tránh công lý.
Ecuador không lạ gì với việc cấp quyền tị nạn cho những người cố gắng thoát khỏi các thủ tục pháp lý.
Trong 7 năm (từ năm 2012 đến 2019), Đại sứ quán Ecuador tại London (Anh) là nơi ở của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, người lúc đó đang cố gắng tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển vì các cáo buộc tấn công tình dục.
Đăng thảo luận
2024-09-25 10:15:18 · 来自139.208.216.5回复
2024-09-25 10:35:16 · 来自36.61.100.191回复
2024-09-25 10:45:28 · 来自210.27.102.62回复
2024-09-25 11:05:19 · 来自123.234.16.210回复
2024-09-25 11:15:15 · 来自182.88.53.207回复
2024-09-25 11:25:34 · 来自36.57.165.145回复
2024-09-25 11:35:16 · 来自210.47.46.11回复