Trong 'Nexus', Yuval Noah Harari cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) tiến bộ vượt xa sức tưởng tượng và nhân loại chưa hiểu tường tận về nó.

Tác giả cuốn Sapiens: Lược sử loài người - Yuval Noah Harari - trở lại với tác phẩm kể về quá trình con người khi bước vào kỷ nguyên thông tin, xoay quanh cách những mạng lưới thông tin kiến tạo và xây dựng thế giới. Trong 100.000 năm qua, loài người có nhiều khám phá, phát minh và chinh phục vũ trụ.

Tuy nhiên, theo Yuval Noah Harari, hiện con người trong một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Thế giới trên bờ vực sụp đổ về mặt sinh thái, căng thẳng chính trị đang gia tăng, thông tin sai lệch tràn lan. Thời điểm này là lúc chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của AI - mạng lưới thông tin hoàn toàn mới.

'Nexus' - kỷ nguyên thông tin của loài người  第1张

Bìa "Nexus". Sách 552 trang, do Bùi Thị Hồng Ninh và Nguyễn Quốc Tấn Trung dịch, phát hành trong tháng 9. Ảnh: Omega+

Tác phẩm gồm ba phần, trong đó phần đầu Những mạng lưới của con người đưa ra định nghĩa về thông tin, trình bày về các hình thức tồn tại của thông tin, cách con người sử dụng, phân tích về hai mô hình thể chế - nền dân chủ và độc tài - sử dụng thông tin như thế nào. Phần hai Mạng lưới vô cơ và phần Nền chính trị máy tính trình bày những công nghệ mới như thuật toán mạng xã hội, camera giám sát. Tác giả e ngại khi những công ty công nghệ nắm toàn quyền lưu trữ và chi phối thông tin về sở thích, sức khỏe - được xem là loại tài sản có giá trị.

Cuốn sách mô tả thế giới loài người qua dòng chảy thông tin. Tác giả lấy mốc thời gian từ thời Đồ đá, qua quá trình điển hóa Kinh Thánh, phát minh ra in ấn, sự trỗi dậy của phương tiện truyền thông đại chúng, chủ nghĩa dân túy. Yuval Noah Harari xem xét mối quan hệ giữa thông tin và sự thật, quan liêu - huyền thoại, trí tuệ - quyền lực, tìm hiểu điểm trung gian của các thái cực, từ đó tìm hiểu bản chất chung của nhân loại.

Ông khám phá cách các hệ thống như Đế chế La Mã, Giáo hội Công giáo sử dụng thông tin để đạt được mục tiêu, dù tốt hay xấu. Ông cũng đề cập đến những lựa chọn cấp bách mà con người phải đối mặt khi AI xuất hiện.

Thông qua nhiều ví dụ, tác giả cho rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) tiến bộ vượt xa tưởng tượng của con người. AI có thể suy nghĩ chủ động, tự tạo ra thông tin, ý tưởng mới, tác động đến toàn xã hội. Công nghệ này là thế lực hùng mạnh mà con người chưa hiểu tường tận và chưa có cơ chế kiểm soát tốt.

'Nexus' - kỷ nguyên thông tin của loài người  第2张

Tác giả Yuval Noah Harari. Ảnh: SIPA

Sách có đoạn: "Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng thông tin sâu sắc nhất trong lịch sử loài người, nhưng chúng ta không thể hiểu được nó, trừ khi chúng ta hiểu những gì đã xảy ra trước đó. Rốt cuộc, lịch sử không phải là nghiên cứu về quá khứ - mà là nghiên cứu về sự thay đổi. Nó dạy chúng ta những gì vẫn giữ nguyên, những gì thay đổi và mọi thứ thay đổi như thế nào.

Tuy nhiên, lịch sử không phải là tất định luận, và Nexus không cho rằng hiểu được quá khứ cho phép chúng ta dự đoán được tương lai. Mục tiêu của tôi là chỉ ra rằng: bằng cách đưa ra những lựa chọn sáng suốt, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn những kết quả tồi tệ nhất. Bởi vì nếu chúng ta không thể thay đổi tương lai, thì tại sao lại lãng phí thời gian thảo luận về nó?".

>>> Trích đoạn sách "Nexus"

Tác phẩm nhận nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Mustafa Suleyman nhận xét: "Harari có khả năng kết hợp những chi tiết tinh tế của lịch sử và xu hướng. Cuốn sách ra đời vào thời điểm quan trọng khi tất cả chúng ta đều suy nghĩ về sự phát triển của AI". Trang The Economist viết: "Tác giả có các lập luận hoàn hảo, nắm bắt được tinh thần thời đại". Trang Kirkus bình luận: "Trên thị trường có nhiều sách viết về triển vọng của AI, độc giả nên bắt đầu với cuốn này".

Yuval Noah Harari, 48 tuổi, là một trong những tác giả nổi bật làng xuất bản và ngành lịch sử Israel. Năm 2002, ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Oxford, hiện là giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông chuyên nghiên cứu về lịch sử thế giới, thời trung cổ và quân sự, đồng thời quan tâm những vấn đề lớn mang tính khái quát về mối quan hệ giữa lịch sử - sinh học.

Các tác phẩm của Harari được đón nhận toàn cầu, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, trong đó có Woodbridge: Boydell & Brewer (2004), Houndmills: Palgrave-Macmillan (2008), Sapiens: Lược sử loài người (2011), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016), 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018).

Quế Chi