Nga cảnh báo chiến tranh hạt nhân nếu Ukraine được "cởi trói" vũ khí
(Dân trí) - Quan chức Nga cảnh báo lời kêu gọi của Nghị viện châu Âu về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc tấn công tầm xa có thể mở đường cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin (Ảnh: Tass).
"Hôm nay, Nghị viện châu Âu kêu gọi các nước thành viên EU dỡ bỏ các hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và công bố gây quỹ với người dân châu Âu để đáp ứng nhu cầu của quân đội Ukraine. Những gì Nghị viện châu Âu đang kêu gọi đang mở đường cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới", Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố trên Telegram hôm 19/9.
Ông Volodin cũng kêu gọi Nghị viện châu Âu tự giải tán sau khi thông qua nghị quyết này. Ông cho biết nếu vũ khí phương Tây được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Moscow sẽ đưa ra phản ứng gay gắt bằng cách sử dụng "vũ khí mạnh hơn".
"Đừng ai nên có bất kỳ ảo tưởng nào về điều này. Duma Quốc gia Nga nhấn mạnh điều này", ông Volodin cảnh báo.
Tuyên bố của ông Volodin được đưa ra sau một nghị quyết gần đây của Nghị viện châu Âu nhằm cho phép các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây.
"Nghị viện châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên ngay lập tức dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng các hệ thống vũ khí phương Tây được cung cấp cho Ukraine để chống lại các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga", theo nội dung nghị quyết.
Nghị quyết kêu gọi tăng cường cung cấp vũ khí, bao gồm tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó đã xác nhận ông từ chối cung cấp Taurus cho Ukraine vì động thái như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ leo thang nghiêm trọng.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên EU và các đồng minh NATO được yêu cầu "cam kết chung và riêng hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, với mức không dưới 0,25% GDP hàng năm".
Nghị quyết kêu gọi thành lập các cơ sở sản xuất quân sự tại Ukraine và gắn kết hơn nữa tổ hợp công nghiệp - quân sự của nước này vào tiềm năng quốc phòng và công nghiệp của EU. Nghị quyết kêu gọi gây sức ép lên Hungary để Budapest đồng ý cung cấp cho Ukraine hơn 7,1 tỷ USD viện trợ quân sự khẩn cấp từ quỹ EU.
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu cuối cùng là đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài tại Ukraine theo các điều khoản của Kiev. Đồng thời, các nghị sĩ châu Âu kêu gọi các nước EU không cắt giảm viện trợ tài chính và chuẩn bị cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine "trong nhiều năm tới".
Các nghị quyết của Nghị viện châu Âu không có hiệu lực pháp lý và chỉ mang tính tham vấn, nhưng được sử dụng trong EU để thúc đẩy và phổ biến các lập trường chính sách cụ thể.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần này cho biết, mỗi quốc gia NATO có thể tự ra quyết định về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công tầm xa vào Nga hay không.
Ukraine từ lâu đã kêu gọi đồng minh phương Tây cho phép dùng vũ khí viện trợ để tấn công tầm xa vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Mỹ và Anh được cho là đã đến gần quyết định dỡ bỏ hạn chế lâu nay đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí viện trợ. Tuy vậy, đến nay, chưa có bất cứ tuyên bố chính thức nào liên quan đến điều đó.
Tổng thư ký NATO từng cho rằng, Ukraine có quyền tập kích vào lãnh thổ Nga với mục đích tự vệ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những rủi ro nếu phương Tây quyết định "cởi trói" cho vũ khí tầm xa ở Ukraine.
Phương Tây hiện vẫn chia rẽ về ý tưởng cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tập kích mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Các nước như Thụy Điển, Phần Lan, Canada phát tín hiệu sẵn sàng ủng hộ, trong khi đó, Đức tỏ ra thận trọng hơn.
Theo Tass
Đăng thảo luận