Mỗi năm Việt Nam có trên 18.000 công bố quốc tế, 40% thuộc lĩnh vực Kỹ thuật và Khoa học tự nhiên, kế đó là Khoa học máy tính.

Trong báo cáo ngày 9/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam những năm qua tăng ổn định, chiếm phần lớn tổng số của cả nước.

Năm 2022 và 2023, cả nước lần lượt có hơn 18.400 và 19.400 bài báo Scopus, riêng 67 trường đại học chiếm khoảng 82-83% số này. Tính tới tháng 7 năm nay, các trường cũng chiếm gần 85% trong số 12.500 nghiên cứu đã công bố quốc tế của Việt Nam.

Những đơn vị dẫn đầu là Đại học Quốc gia TP HCM, Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Duy Tân, Tôn Đức Thắng...

Theo thống kê, lĩnh vực Khoa học tự nhiên có số công bố nhiều nhất, chiếm 21%, tiếp đến là Kỹ thuật 20%, Khoa học máy tính 13%.

"Đây là điểm sáng trong nghiên cứu khoa học. Các thầy cô cũng hướng đến các tạp chí chất lượng chứ không chỉ đơn thuần chú trọng số lượng", bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, chia sẻ.

Các lĩnh vực Khoa học sự sống và nông nghiệp, thú y; Toán; Khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn; Sức khỏe; Kinh doanh, quản trị và kế toán chiếm 7-8% mỗi nhóm.

Tuy nhiên, theo Cục Thông tin Khoa học công nghệ quốc gia, các trường đại học đóng góp hơn 80% tổng số nghiên cứu khoa học, chiếm khoảng 3/4 số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ, song kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D) dành cho khối này chỉ chiếm 6,75% tổng chi cho R&D trong toàn quốc.

Công bố quốc tế được cho là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực của các nhà nghiên cứu và quyết định xếp hạng đại học. Trên thế giới có hai cơ sở dữ liệu khoa học uy tín là ISI và Scopus. Với hơn 18.000 công bố mỗi năm, ba năm qua, Việt Nam đều trong top 50 quốc gia dẫn đầu về hoạt động này.

Bộ đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường dần gắn với đào tạo, góp phần tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; nhiều đề tài đóng góp cho các ngành công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần duy trì và giúp các trường có vị trí tốt trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động đào tạo còn hạn chế, doanh nghiệp ít đặt hàng và không thường xuyên phối hợp trong nghiên cứu.

Trong năm tới, Bộ đề nghị các trường quy hoạch những lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với thế mạnh đào tạo; chú trọng hợp tác ba bên: trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu. Song song đó, các đơn vị cần bảo đảm kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, tăng cường kiểm soát liêm chính khoa học, chủ động lồng ghép nội dung về sở hữu trí tuệ, kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình.

Thanh Hằng - Dương Tâm