Người đàn ông bỗng nguy kịch khi đang hát karaoke
(Dân trí) - Trong lúc đang hát karaoke tại buổi tiệc, người đàn ông đột ngột nói khó, tê yếu nửa người và lâm dần vào nguy kịch.
Đó là trường hợp của ông N.V.N. (58 tuổi, quê Vĩnh Long). Khai thác bệnh sử, khi đang hát karaoke tại buổi tiệc, người đàn ông đột ngột nói đớ, nói khó và tê yếu nửa người bên trái, nên được người nhà đưa vào cấp cứu.
Bệnh nhân có cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ (Ảnh: BV).
Ngay khi tiếp nhận tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ tiến hành các bước thăm khám, thực hiện cận lâm sàng, sau đó bệnh nhân chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 2.
Vì còn trong "giờ vàng", người đàn ông được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) giúp tan cục máu đông (nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ).
Sau 1 giờ sử dụng thuốc, tình trạng yếu liệt của người bệnh cải thiện, nói rõ, tỉnh táo hoàn toàn, sức cơ hồi phục 3/5. Sau 3 ngày điều trị và theo dõi tích cực tại khoa Nội thần kinh, người bệnh có thể nói chuyện bình thường và các triệu chứng ban đầu đã hoàn toàn hồi phục, sức cơ ghi nhận 5/5.
Hiện tại, bệnh nhân đã tự sinh hoạt cá nhân, trở về với cuộc sống bình thường.
Người đàn ông qua cơn nguy kịch sau khi điều trị tích cực (Ảnh: BV).
Trước đó, ông L.S.Đ. (67 tuổi, ngụ quận 12) trong lúc lái xe đột ngột cảm thấy choáng váng nên lập tức gọi người nhà đến giúp. Khi thấy tình hình không thuyên giảm khi trở về nhà, gia đình lập tức đưa ông đến bệnh viện.
Qua thăm khám, thực hiện cận lâm sàng, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 3 (còn trong "giờ vàng"). Người đàn ông cũng được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) giúp tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ.
Qua CT mạch máu não, bệnh nhân được phát hiện hẹp nặng động mạch não giữa trái, được chuyển lên Đơn vị Đột quỵ - khoa Nội thần kinh. Sau 24h theo dõi và điều trị tại đây, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân dần cải thiện.
Qua 2 ngày nằm viện, bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường và các triệu chứng ban đầu đã dứt.
Ông Đ. được bác sĩ kiểm tra sức cơ tại bệnh viện (Ảnh: BV).
Qua khai thác tiền sử, ông Đ. có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 trong nhiều năm qua và đã từng bị đột quỵ. Tăng huyết áp lâu ngày làm tổn thương mạch máu, thúc đẩy quá trình xơ vữa mạch máu ngày càng tiến triển. Do đó, nếu không kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm đột quỵ.
Sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn tiếp tục tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm soát tốt các bệnh lý nền, tránh nguy cơ tái phát dài lâu.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lữ Hữu Tuấn, Trưởng khoa Nội Thần kinh cho biết, bên cạnh người lớn tuổi, những người trẻ tuổi không nên chủ quan với đột quỵ. Như trường hợp trên, bệnh nhân tuổi chưa cao (dưới 60 tuổi) và vẫn đang khỏe mạnh, chỉ vì vui và gắng sức dẫn đến đột quỵ khó lường.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chủ động hình thành lối sống, sinh hoạt lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm ngặt việc điều trị tăng huyết áp, ngừa tái phát đột quỵ theo chỉ định của người điều trị.
Đăng thảo luận