Các nhà khoa học nghiên cứu giun say rượu, đường bơi của cá hồi chết, sử dụng bồ câu điều khiển tên lửa... được xướng tên tại lễ công bố giải Ig Nobel lần thứ 34.
Nghiên cứu dùng bồ câu lái tên lửa bay đúng mục tiêu đoạt giải Ig Nobel năm nay. Ảnh: Inews
Lễ công bố giải Ig Nobel, tôn vinh nghiên cứu khác thường "khiến mọi người cười, sau đó suy nghĩ" được tổ chức tại Viện Công nghệ Massachusetts hôm 12/9, theo Guardian. Tạp chí Annals of Improbable Research đồng tổ chức sự kiện cùng với MIT Press. Sự kiện bao gồm các học giả Nobel công bố giải thưởng, nhà khoa học đoạt giải giải thích về chủ đề nghiên cứu trong 24 giây và chốt lại trong 7 từ cùng màn ném máy bay giấy quen thuộc. Người thắng giải được trao thưởng 10 nghìn tỷ dollar Zimbabwe.
Sinh lý học
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản hứng thú tìm hiểu liệu người hít thở khó khăn có hưởng lợi từ việc bơm oxy từ hậu môn hay không sau khi nhận thấy một số loài vật như cá chạch có thể sử dụng ruột để thở. Họ bắt đầu nghiên cứu trong thời kỳ Covid khi nhiều bệnh viện thiếu máy thở nhằm hỗ trợ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng.
Thí nghiệm của nhóm nghiên cứu đoạt giải Ig Nobel sinh lý học cho thấy chuột nhắt, chuột cống và lợn có thể hấp thụ oxy vào mạch máu khi truyền qua trực tràng, qua đó hỗ trợ thở bình thường. Trong bài báo đăng trên tạp chí Med năm 2021, Takanori Takebe, bác sĩ và nhà khoa học ở Trung tâm y khoa thuộc Bệnh viện nhi Cincinnati cùng Ryo Okabe ở Đại học y và nha khoa Tokyo mô tả đường thở trong ruột cung cấp một phương pháp mới giúp bệnh nhân mắc vấn đề hô hấp.
Nhân khẩu học
Tiến sĩ Saul Newman ở Đại học Oxford giành giải Ig Nobel nhân khẩu học nhờ chứng minh nhiều đồn đại về những người sống cực thọ đến từ nơi người dân có tuổi thọ ngắn, không có giấy khai sinh, đồng thời đầy rẫy sai sót về ghi chép sổ sách và gian lận tiền lương hưu.
Giải phẫu
Giáo sư Roman Khonsari, một nhà phẫu thuật xương hàm mặt tại Bệnh viện Đại học Necker-Enfants Malades ở Paris và đồng nghiệp được trao giải Ig Nobel giải phẫu dành cho nghiên cứu toàn cầu về xoáy tóc. Trong khi tóc trên da đầu mọc xoáy theo chiều kim đồng hồ ở hầu hết mọi người, nghiên cứu của họ phát hiện kiểu xoáy ngược chiều kim đồng hồ phổ biến hơn ở Nam bán cầu.
Phát hiện dẫn tới so sánh với lốc xoáy. Lốc xoáy thường xoay theo những hướng khác nhau ở Bắc và Nam bán cầu. Trong bài báo đăng trên tạp chí Journal of Stomatology, Oral and Maxillofacial Surgery, nhóm nghiên cứu nêu giả thuyết về hiệu ứng Coriolis, theo đó Trái Đất quay tròn làm chệch hướng gió sang bên phải ở Bắc bán cầu và sang bên trái ở Nam bán cầu. Tuy nhiên, Khonsari không cho rằng đó là một giả thuyết khả thi.
Hòa bình
Giải Ig Nobel hòa bình thuộc về nhà sinh lý học quá cố người Mỹ BF Skinner do khám phá tính khả thi khi đặt bồ câu sống trên tên lửa để dẫn chúng tới mục tiêu. Dự án bị bỏ dở dù có ví dụ chứng minh hoàn hảo, bao gồm một con bồ câu được huấn luyện để nhắm vào các mục tiêu ở đường ven biển New Jersey.
Thực vật học
Giải Ig Nobel thực vật học được trao cho nhà nghiên cứu độc lập Jacob White ở Mỹ và Felipe Yamashita ở Đại học Bonn tại Đức khi nêu bằng chứng loài thực vật Nam Mỹ tên Boquila trifoliolata có thể bắt chước lá của cây giả mà nó đặt cạnh, qua đó kết luận "thị giác thực vật" là một giả thuyết khả thi.
Y khoa
Nhóm nghiên cứu đến từ Thụy Sĩ, Đức và Bỉ, đứng đầu là Lieven A. Schenk ở Trung tâm y khoa Đại học Hamburg-Eppendorf giành giải Ig Nobel y khoa nhờ chứng minh thuốc giả gây tác dụng phụ đau đớn có thể hiệu quả hơn ở bệnh nhân so với thuốc giả không gây tác dụng phụ đau đớn.
Vật lý
Giải Ig Nobel vật lý vinh danh nhà sinh vật học James C. Liao ở Đại học Florida nhờ tìm hiểu toàn diện những khả năng bơi của cá hồi chết.
Xác suất
Một nhóm gồm 50 nhà nghiên cứu, đứng đầu là František Bartoš ở Đại học Amsterdam, chia sẻ giải Ig Nobel xác suất. Họ lật 350.757 đồng xu để kiểm tra giả thuyết của Persi Diaconis, cựu ảo thuật gia kiêm giáo sư thống kê ở Đại học Stanford. Nghiên cứu của họ chứng minh dự đoán của Diaconis rằng đồng xu bị tung nhẹ nhiều khả năng rơi xuống đất ở cùng mặt như trước khi tung.
Hóa học
Giải lĩnh vực hóa học được trao cho nhóm nghiên cứu ở Đại học Amsterdam gồm Tess Heeremans, Antoine Deblais, Daniel Bonn, và Sander Woutersen sử dụng sắc ký để phân biệt những con giun say rượu và không say.
Sinh học
Giải Ig Nobel sinh học thuộc về hai nhà khoa học quá cố người Mỹ Fordyce Ely và William Petersen với nghiên cứu vào năm 1940 về những yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất sữa ở gia súc. Trong bài báo đăng trên tạp chí Animal Science, họ mô tả việc đặt một con mèo trên lưng một con bò và làm nổ túi giấy để tìm hiểu dòng sữa có thay đổi hay không. Những con bò hoảng sợ dường như tiết ít sữa hơn.
An Khang (Theo CEN/Guardian)
Đăng thảo luận
2024-09-28 14:05:36 · 来自121.76.40.185回复
2024-09-28 14:15:43 · 来自139.208.63.205回复
2024-09-28 14:25:16 · 来自123.235.114.158回复
2024-09-28 14:35:14 · 来自139.196.243.229回复