Israel tuyên bố buộc Iran phải trả giá sau cuộc tập kích tên lửa, song Tel Aviv cần phải dò xét thái độ từ Washington, cũng như mức độ đáp trả của Tehran.
Tình hình khu vực Trung Đông ngày càng căng thẳng trước những suy đoán về cuộc tấn công đáp trả của Israel vào Iran có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh toàn diện. Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 5/10 lặp lại tuyên bố bắt Iran phải trả giá.
"Iran hai lần phóng hàng trăm tên lửa vào lãnh thổ và các thành phố của chúng tôi. Chúng nằm trong số những cuộc tấn công tên lửa đạn đạo lớn nhất trong lịch sử của Israel. Không quốc gia nào có thể chấp nhận cuộc tấn công như vậy. Israel có nghĩa vụ và quyền tự vệ để đáp trả các cuộc tấn công. Chúng tôi sẽ làm như vậy", ông nói.
Giới chuyên gia cho rằng Thủ tướng Israel rất muốn tận dụng cơ hội này để giáng đòn vào Iran, quốc gia từ lâu đã bị Tel Aviv coi là "kình địch" và là mối đe dọa lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên, Israel sẽ phải xem xét rất nhiều yếu tố khi giới chức quốc phòng và lãnh đạo chính trị nước này cân nhắc đòn đáp trả Iran.
Tên lửa bay qua bầu trời thành phố Ashkelon, Israel, hôm 1/10. Ảnh: Reuters
Tiến sĩ Yoel Guzansky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói Israel có vài lựa chọn để tập kích trả đũa Iran, với mục tiêu tham vọng nhất là các cơ sở hạt nhân của nước này.
Israel coi chương trình hạt nhân Iran là mối đe dọa hiện hữu và cáo buộc Tehran đang tiến sát khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân, điều mà nước này bác bỏ. Israel đã nhiều lần công khai đe dọa sẽ nhắm mục tiêu vào các nhà máy, cơ sở làm giàu uranium của Iran.
Tuy nhiên, đây không phải là điều Israel có thể làm được nếu không dò xét thái độ cũng như tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ, đồng minh lớn nhất cả về chính trị và quân sự của họ. Israel sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức về công nghệ, tác chiến và chính trị nếu lựa chọn tấn công cơ sở hạt nhân Iran.
"Phá hủy cơ sở hạt nhân của Iran là nhiệm vụ bất khả thi", thiếu tá về hưu Alex Grinberg, cựu sĩ quan tình báo Israel và hiện là chuyên gia về Iran tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, nói. Các cơ sở hạt nhân chiến lược của Iran đều được xây kiên cố dưới hàng chục mét đá và bê tông, có thể chỉ chịu tổn thất nhỏ trong trường hợp bị tấn công.
Vũ khí thông thường duy nhất có thể tấn công những cơ sở ngầm này là bom xuyên GBU-57A/B của Mỹ. Loại bom này có trọng lượng hơn 12 tấn và dài 6 m, nên chỉ có thể được mang bởi các máy bay ném bom lớn như B-2 Spirit của Mỹ. Israel không có khí tài có đủ năng lực để thực hiện đòn tấn công tương tự nếu không có sự đồng ý từ Nhà Trắng.
"Nhưng Mỹ không ủng hộ một cuộc tấn công như vậy vì nó có thể leo thang thành cuộc chiến lớn hơn. Washington muốn Tel Aviv có phản ứng mạnh mẽ để chấm dứt vấn đề, nhưng không kích động khu vực", Guzansky nói.
Tổng thống Joe Biden đã công khai tuyên bố Mỹ không ủng hộ phương án Israel tập kích các cơ sở hạt nhân Iran, điều mà giới lãnh đạo Tehran coi là "lằn ranh đỏ".
Về mặt quân sự, Israel đang đương đầu với cuộc chiến đa mặt trận, chống Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, các nhóm dân quân ở Iraq, và xung đột với Iran. Giới quan sát tin rằng cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân Iran có thể sẽ là phát súng mở màn cho cuộc chiến đa mặt trận thậm chí lớn và dữ dội hơn, nguy cơ kéo theo các cường quốc thế giới như Mỹ vào cuộc.
Israel cũng đang xem xét phương án tập kích các cơ sở dầu khí nhằm giáng đòn đau với nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, Mỹ dường như cũng không mấy mặn mà với kịch bản này.
Việc các mỏ dầu, cảng xuất khẩu dầu khí của Iran bị tấn công sẽ khiến giá dầu thế giới tăng cao, gây bất lợi cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris. Iran cũng có thể đáp trả bằng cách phong tỏa eo biển Hormuz, bóp nghẹt một yết hầu thương mại dầu khí quan trọng của thế giới, khiến tình hình càng tồi tệ hơn.
Ngoài ra, khi tấn công các cơ sở dầu khí nằm rải rác khắp Iran, chiến đấu cơ Israel cũng đối mặt nhiều rủi ro. Chúng sẽ phải bay qua không phận một số nước xung quanh, những quốc gia không muốn chiến tranh toàn diện nổ ra ở khu vực. "Iran cũng được đánh giá có khả năng phòng không tốt. Do đó, chuyện này không đơn giản", Guzansky nói.
Giới quan sát cho rằng tấn công vào các địa điểm quân sự Iran cũng là một lựa chọn đáp trả của Israel.
"Nếu có thể tấn công vào điểm yếu của Iran, như kho tên lửa, điều này sẽ rất có ý nghĩa. Nó có thể gây tổn hại cho Iran và cản trở khả năng sản xuất tên lửa của nước này. Một cuộc tấn công như vậy rất quan trọng đối với khả năng răn đe của Israel trong khu vực và trên thế giới, đồng thời làm tổn hại năng lực của Iran", Guzansky nói.
Nhưng phản ứng của Iran quyết liệt tới đâu với đòn tập kích như vậy cũng là yếu tố mà Israel phải xem xét khi đưa ra quyết định khai hỏa.
Vị trí Israel, Iran và các nước trong khu vực. Đồ họa: BBC
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian từng cảnh báo "bất kỳ hình thức tấn công quân sự, hành động khủng bố hoặc vượt lằn ranh đỏ nào cũng sẽ vấp phản ứng quyết liệt của lực lượng vũ trang Iran".
Sima Shine, chuyên gia về Iran tại INSS, cho rằng Tehran sở hữu sức mạnh quân sự "không thể phủ nhận" ở Trung Đông. Nếu Iran sử dụng sức mạnh đó để tiếp tục đáp trả Israel, vòng xoáy bạo lực chắc chắn sẽ leo thang thành chiến tranh toàn diện, điều mà Mỹ luôn muốn ngăn chặn.
Bởi vậy, Sina Toossi, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Quốc tế ở Washington, cho rằng Israel đang đứng trước "canh bạc lớn" trong phản ứng của mình với Iran. Bất cứ hành động leo thang nào vào thời điểm này cũng đều tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, buộc Israel phải xem xét rất kỹ lưỡng các yếu tố liên quan.
Tuy nhiên, Iran và Israel nhiều lần khẳng định họ không muốn bị kéo vào vòng xoáy bạo lực trả đũa. Danny Citrinowicz, chuyên gia về Iran tại INSS, nói cả Israel và Iran cuối cùng "sẽ tìm kiếm giải pháp chính trị" được cả Mỹ và Pháp ủng hộ, hai nước vốn có ảnh hưởng ở Lebanon có thể đóng vai trò quan trọng trong khôi phục hòa bình cho khu vực.
Thùy Lâm (Theo Media Line, AFP, IRNA, Haaretz)
Đăng thảo luận