3 nhà kinh tế Mỹ thắng giải Nobel Kinh tế 2024 dùng phương pháp phân tích thể chế để trả lời cho câu hỏi kinh điển về lý do chênh lệch giàu nghèo giữa các nước.
20% quốc gia giàu nhất thế giới ngày nay có tài sản gấp khoảng 30 lần nhóm 20% nghèo nhất. Hơn nữa, khoảng cách thu nhập giữa họ là bền vững. Các nước nghèo đã khá hơn, nhưng vẫn không bắt kịp. Tại sao như vậy?
Năm nay, 3 nhà kinh tế học Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Kinh tế học vì đã tìm thấy bằng chứng mới và thuyết phục giải thích các câu hỏi này. Đó là sự khác biệt trong các thể chế của một xã hội.
Ngoài ra, họ cũng phát triển các công cụ lý thuyết để giải thích lý do khác biệt về thể chế vẫn tồn tại và cách mà chúng có thể thay đổi. "Giảm thiểu sự chênh lệch thu nhập lớn giữa các nước là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại. Những người đoạt giải đã chứng minh tầm quan trọng của các thể chế xã hội trong việc đạt được điều này", Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Kinh tế cho biết.
Ba nhà khoa học được giải Nobel Kinh tế 2024. Ảnh: Đăng Hiếu
Hành trình bắt đầu từ 23 năm trước, khi nhóm nghiên cứu lập luận trong bài viết đã trở thành một trong những nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trong kinh tế học - "Nguồn gốc thuộc địa của sự phát triển so sánh" - đăng trên Tạp chí Kinh tế Mỹ số 91 (2001).
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, tìm bằng chứng giải thích về khoảng cách giàu nghèo bền vững giữa các nước không dễ. Bởi các quốc gia giàu khác với nước nghèo ở nhiều khía cạnh, không riêng thể chế. Vì vậy, khả năng có những lý do khác cho sự thịnh vượng và loại thể chế của họ. Có thể sự thịnh vượng ảnh hưởng đến các thể chế xã hội, chứ không phải ngược lại.
Để có câu trả lời, nhóm đoạt giải sử dụng một phương pháp thực nghiệm đổi mới. Họ nghiên cứu về việc thực dân châu Âu chiếm đóng phần lớn thế giới từ thế kỷ 16 trở đi. Từ đó, giải thích sự khác biệt về thịnh vượng ngày nay, là bởi các hệ thống chính trị và kinh tế mà thực dân từng áp dụng.
Trong nghiên cứu, họ so sánh tỷ lệ tử vong của những người định cư da trắng tại các thuộc địa khác nhau với tốc độ tăng trưởng hiện tại của những nước xuất phát từ thuộc địa này. Họ kết luận rằng ở những nơi tỷ lệ sống cao nhờ môi trường dịch bệnh ít khắc nghiệt hơn, thực dân tạo ra các thể chế bảo đảm quyền lợi - đặc biệt là quyền sở hữu tài sản - và kích thích tiến bộ công nghệ, kinh tế.
Ngược lại, những nơi môi trường không thuận lợi, họ chỉ tìm cách nô lệ hóa lao động địa phương hoặc nhập khẩu con người để khai thác tài nguyên nông nghiệp, khai khoáng nhằm thu lợi nhuận. Điều này chứng minh vì sao nơi tương đối giàu vào thời điểm thuộc địa, nhờ bóc lột khai thác, lại nằm trong số những nơi nghèo nhất hiện nay.
Tranh mô tả "Đảo ngược vận mệnh": Ở những vùng nghèo nhất và thưa thớt dân cư nhất, thực dân châu Âu lập thể chế xã hội góp phần vào sự thịnh vượng lâu dài, giúp trở thành những nơi giàu nhất sau Cách mạng Công nghiệp và ngược lại. Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Tóm lại, khi châu Âu chiếm đóng thế giới, các thể chế trong những xã hội họ đến đã biến chuyển. Những thay đổi đôi khi sâu sắc nhưng không giống nhau. Một số nơi, mục tiêu của thực dân là khai thác tài nguyên để mang lợi ích cho chính quốc. Ở chỗ khác, thực dân xây dựng các hệ thống chính trị và kinh tế bao trùm nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho người di cư từ châu Âu.
Vì vậy, sự khác biệt về thịnh vượng giữa các quốc gia ngày nay là bởi các thể chế xã hội được thiết lập trong thời kỳ thuộc địa. Những thể chế bao trùm thường được thiết lập ở các nước nghèo, khi chúng bị thuộc địa hóa. Nhưng theo thời gian, điều này dẫn đến một xã hội thịnh vượng hơn. Đây là nguyên nhân quan trọng một số thuộc địa trước đây từng khốn khó giờ sung túc và ngược lại.
Việc áp dụng các thể chế bao trùm có thể mang lại lợi ích lâu dài cho mọi người, nhưng nhóm nghiên cứu chỉ ra một số xã hội ngày nay vẫn mắc kẹt trong bẫy "thể chế chiếm đoạt". Tức là, vẫn tồn tại sự bóc lột song lại tăng trưởng kinh tế thấp. Theo nhóm nghiên cứu, việc thoát bẫy này khá khó nhăn nhưng vẫn có thể. Khi các thể chế mới được hình thành sẽ dẫn đến giảm nghèo.
Không chỉ giải thích chênh lệch giàu - nghèo, chủ nhân Nobel kinh tế năm nay còn áp dụng phương pháp nghiên cứu thể chế vào các lĩnh vực khác. Acemoglu chỉ ra rằng đổi mới công nghệ có thể mang lại lợi ích cho tầng lớp ưu tú nắm quyền hoặc phục vụ lợi ích của đại đa số người dân, tùy thuộc vào bản chất của các thể chế hiện hành.
Johnson sử dụng phương pháp này để phân tích sự thống trị của một nhóm nhỏ ngân hàng tại Mỹ và các cuộc khủng hoảng tài chính do nhóm này gây ra. Daron Acemoglu và Simon Johnson đã phổ biến phương pháp tiếp cận này qua cuốn sách "Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói" (2012).
Quan trọng hơn, phương pháp của họ mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ với hàng loạt bài nghiên cứu về các nền kinh tế có sự kết hợp giữa lịch sử và thực tế thể chế. Điều này tạo nên tương phản rõ nét so với việc áp dụng các mô hình toán học để giải thích tăng trưởng trước đây.
Trước đó, tại Mỹ, trường phái nghiên cứu thể chế có từ đầu thế kỷ 20 với các tên tuổi như Thorstein Veblen, John Rogers Commons và Wesley Clair Mitchell. Ở châu Âu thì có trường phái điều tiết với Robert Boyer, Michel Aglietta.
Tuy vậy, điều đáng chú ý là những người đoạt giải đã thành công "kết nối giữa trường phái kinh tế chính thống và thể chế", theo Giáo sư Jean Pisani-Ferry tại Đại học Sciences Po (Pháp). "Họ sử dụng các phương pháp kinh tế lượng của trường phái chính thống để chứng minh một cách thực nghiệm những gì nhà nghiên cứu trường phái thể chế đã nêu ra", ông tóm tắt.
Robert Boyer - một trong những nhà sáng lập lý thuyết điều tiết - hoan nghênh lựa chọn Nobel Kinh tế 2024 khi khuyến khích "mở rộng tầm nhìn trong kinh tế học". Theo ông, tài năng của những người đoạt giải là bắt đầu từ những giới hạn của các lý thuyết tăng trưởng cổ điển để khám phá vai trò của thể chế bằng cách nghiên cứu quốc gia thành công.
"Nếu hội đồng giám khảo tiếp tục theo hướng này, với chút dị biệt, có lẽ 10 năm tới họ sẽ thành công trong chứng minh kinh tế học thực sự liên quan đến việc hiểu thế giới của chúng ta", ông nhận xét pha chút hài hước.
Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson cũng bị chỉ trích vì "cách tiếp cận mang tính cục bộ và đậm chất Anglo-Saxon", theo tờ Le Monde. Nghĩa là, tư duy, cách tiếp cận quá tập trung vào các khái niệm về quyền sở hữu và thể chế xuất phát từ phương Tây, mà cụ thể từ các quốc gia có nền văn hóa Anglo-Saxon như Anh, Mỹ.
Điều này có thể gây hạn chế trong áp dụng những lý thuyết này vào các nền kinh tế có bối cảnh văn hóa, lịch sử và pháp lý khác như châu Á, châu Phi - nơi những giá trị và hệ thống này không phải là yếu tố cốt lõi của sự phát triển.
Denis Cogneau, tác giả cuốn "Un empire bon marché: Histoire et économie politique de la colonisation française, XIXe-XXIe siècle" (tạm dịch: Một đế chế rẻ tiền: Lịch sử và kinh tế chính trị của thời kỳ thuộc địa Pháp, thế kỷ 19-21) bổ sung rằng điểm hạn chế của những nghiên cứu về sự tồn tại và phát triển bền vững của các thể chế thường bắt đầu từ giả định rằng có những thể chế tốt. Tức là, các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội được tổ chức hiệu quả và công bằng có khả năng tạo ra, duy trì sự phát triển.
"Nhưng khi chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng và tìm kiếm một nguyên nhân duy nhất từ quá khứ, chúng ta bỏ qua những gì đã xảy ra giữa chừng, cũng như các yếu tố khác ảnh hưởng đến phát triển. Nói ngắn gọn, chúng ta không làm đúng vai trò của một nhà sử học", ông chỉ ra.
Phiên An (theo Le Monde, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển)
Đăng thảo luận