Nông dân trả xong nợ, xây được nhà nhờ trồng rau sạch
(Dân trí) - Nhiều nông dân đã biết liên kết trong sản xuất, hướng tới các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, phục vụ nhu cầu thị trường nhờ đó mà thu nhập người dân đã được cải thiện.
Những ngày đầu năm mới, không khí sản xuất tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nhộn nhịp và hối hả.
Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha cho biết, HTX được thành lập từ tháng 4/2021. Sau 2 năm, HTX đã có 13 thành viên chính, 25 hộ sản xuất và 25 hộ liên kết với vùng nguyên liệu rộng hơn 70ha.
HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha hiện có vùng nguyên liệu rộng hơn 70 ha (Ảnh: Đặng Dương).
Mỗi tháng, đơn vị sản xuất 150-170 tấn rau, củ, quả các loại. Tất cả các sản phẩm đều sản xuất theo đơn đặt hàng trước đó nên được tiêu thụ ngay tại đồng ruộng.
Trong số này, gần 30% sản lượng nông sản được bán tại một hệ thống siêu thị với giá cao hơn so với thị trường, 70% sản lượng còn lại được 15 tiểu thương tại 3 chợ đầu mối ở TPHCM tiêu thụ.
Ông Hương cho hay, từ khi thành lập đến nay, HTX chú trọng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra hàng nghìn tấn rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Từ năm 2023, đơn vị hợp tác với một doanh nghiệp tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) để trồng các loại rau theo quy trình hiện đại. Đến nay, HTX đã trồng thử nghiệm thành công 12 giống rau, củ, quả, xà lách Nhật, bắp cải tím, cải thảo hỏa tiễn, bí ngòi, rau hồi.
Phần lớn các thành viên và hộ liên kết đều nhận thức được những lợi ích mang lại từ việc liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (Ảnh: Đặng Dương).
Chia sẻ về quãng thời gian 2 năm qua, ông Hương cho biết từ những ngày đầu bắt tay vào sản xuất, các thành viên trong HTX đã xác định làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Dù thời gian đầu gặp khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của người dân nhưng đến nay, phần lớn các thành viên và hộ liên kết đều nhận thức được những lợi ích mang lại.
"Hiện tại, rau củ và trái cây của HTX cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Dự kiến, trong năm 2023, HTX sẽ sản xuất, đưa vào các siêu thị 3.000 tấn rau các loại", ông Hương chia sẻ.
Hiện HTX đang tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng. Đối với các hộ trực tiếp sản xuất, sản phẩm đã tiếp cận với kênh phân phối hiện đại, thu nhập cao hơn mặt bằng chung, thậm chí có hộ thu nhập cao nhất lên đến cả tỷ đồng/năm.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha đang tạo việc làm cho 20 lao động (Ảnh: Đặng Dương).
Gia đình bà Vũ Thị Nhung (ngụ ở thôn 3, xã Đắk Ha) là một trong những hộ thành viên được HTX hướng dẫn sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo bà Nhung, toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình đều không sử dụng thuốc hóa học, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh. Từ khi tham gia HTX, gia đình bà không những trả được nợ mà còn mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác.
"Trước đây, vợ chồng tôi từ Đắk Lắk tới Đắk Ha trồng rau. Từ số vốn vay ban đầu khoảng 300 triệu đồng, sau 2 năm, gia đình có đã trả hết nợ. Ngoài ra với lợi nhuận từ việc trồng rau, chúng tôi còn mua được một mảnh đất để xây dựng nhà, yên tâm làm ăn ở đây", bà Nhung chia sẻ.
Nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, từ truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn và hướng tới phát triển kinh tế tập thể (Ảnh: Đặng Dương).
Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong đánh giá, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp để sản xuất rau, củ, quả.
Trong hai năm qua, các sản phẩm do HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha sản xuất được đưa ra thị trường đều nhận được phản hồi tốt, cho thấy đây là hướng đi đúng.
"Điều quan trọng là nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, từ truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn và hướng tới phát triển kinh tế tập thể. Những mô hình liên kết sản xuất như thế này cũng sẽ góp phần khích lệ và giúp bà con yên tâm sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và ngay chính bản thân người sản xuất", ông Thuần đánh giá.
Đăng thảo luận