Phẫu thuật phục hồi chức năng cho cánh tay bé trai 6 tuổi bị bỏng
(Dân trí) - Khi nhận được thông tin Quỹ Nâng bước tuổi thơ của Bệnh viện FV tài trợ cho con trai điều trị sẹo bỏng, chị Bon Dông K'Dôn (Lâm Đồng) cho biết, hai vợ chồng đã ôm nhau khóc vì bất ngờ và hạnh phúc.
Bác sĩ bệnh viện FV khám sẹo bỏng cho Ya Thảo (Ảnh: FV).Hoàn cảnh thương tâm của bé trai 6 tuổi bị bỏng nặng
Một buổi chiều muộn tháng 6/2022, trong lúc chờ chồng đi làm về, chị K'Dôn vừa nấu cơm chiều, vừa đun nước tắm cho các con. Hai cậu con trai đùa giỡn gần đó. Nào ngờ trong lúc chạy lỡ trớn, cậu bé Ya Thảo (6 tuổi) vấp phải cây củi, ngã nhào vào nồi nước sôi.
Nghe tiếng thét xé trời của con, chị K'Dôn hốt hoảng chạy tới bế xốc con ra giếng, vừa giội nước làm nguội cho con, chị vừa gào khóc kêu cứu. Hàng xóm chạy sang, người lo đi báo cho anh Ya Duyên - cha của bé, người lấy xe chở bé lên trạm xá Đa Quynh, Đức Trọng (Lâm Đồng).
Vết bỏng quá nặng nên sau khi sơ cứu, bé tiếp tục được chuyển lên bệnh viện huyện. Sau 10 ngày, tình trạng Ya Thảo ngày càng nặng, bé được đưa lên bệnh viện tỉnh rồi sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). Sau 3 tuần, các vết bỏng lành hẳn, bé được xuất viện.
Tuy nhiên, lời cảnh báo của các bác sĩ đã thành hiện thực: nơi các vết thương bỏng sâu dần lồi lên thành từng tảng thịt đỏ hỏn trước ngực. Mảng sẹo lồi ở đùi căng cứng, bé phải đi cà nhắc. Nơi khủyu tay phải, sẹo gồ lên, kéo giật khủyu tay khiến cánh tay không duỗi thẳng được gây khó khăn trong vận động, sinh hoạt. Vết sẹo gây ngứa, các vết xước do bé gãi bị nhiễm trùng…
Nhiều người khuyên chị Bon Dông K'Dôn nên đưa con đi trị sẹo lồi, nhưng kinh tế gia đình quá eo hẹp. Hai vợ chồng chị làm rẫy là chính, thỉnh thoảng anh Ya Duyên mới có việc làm thêm bên ngoài, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Dù thương con đứt ruột nhưng không có tiền đưa con đi điều trị, mỗi tối nhìn con gãi sẹo, nước mắt hai vợ chồng lặng lẽ rơi.
Các cô giáo trong trường của Ya Thảo hiểu hoàn cảnh của gia đình em nên đã liên hệ với các nhóm thiện nguyện. Thông tin của em may mắn đã đến được Quỹ Nâng bước tuổi thơ (Bệnh viện FV sáng lập và bảo trợ). Nhờ vậy, em được vào TPHCM điều trị dưới sự tài trợ của quỹ.
"Con duỗi tay trở lại được rồi"
BS Trần Anh Tân, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện FV cho biết, do bệnh nhi Ya Thảo bị bỏng rất nặng nên đến nay gần 1 năm, cơ thể em xuất hiện nhiều mảng sẹo lồi ở các vị trí ngực, đùi phải, và nhất là ảnh hưởng chức năng vận động của khủyu tay phải.
"Khủyu tay phải của bé không duỗi thẳng ra được, bị co rút, gập góc khoảng 90 độ. Mục tiêu trước mắt là trả lại chức năng hoạt động cho bé, nhất là khi bé sắp đi học", bác sĩ Tân nhấn mạnh.
Bác sĩ Trần Anh Tân và ê-kíp điều trị sẹo co rút cho bé Ya Thảo (Ảnh: FV).Ya Thảo được chỉ định phẫu thuật giải phóng sẹo co rút ở khủyu tay phải, giúp bé có thể co duỗi, cầm nắm bình thường. "Nếu không phẫu thuật thì sức khỏe và chức năng vận động của bé sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Vết sẹo sau bỏng sẽ gây co rút nhiều hơn, chức năng vận động bị ảnh hưởng nghiêm trọng", bác sĩ Tân cho biết.
Ca phẫu thuật cho Ya Thảo mất gần 3 tiếng. Sau khi giải phóng sẹo, toàn bộ nơi khuyết hổng tổ chức da vùng co rút được ghép da lấy từ đùi bên phải của bé. Sau phẫu thuật 5 ngày, khi kiểm tra vết mổ, vùng da ghép mịn màng đang hồi sinh ở nơi trước kia là mảng sẹo.
Chị K'Dôn xúc động cảm ơn bác sĩ và ê-kíp của Bệnh viện FV. Ya Thảo với nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt, hân hoan nói: "Con duỗi thẳng tay được rồi".
Cánh tay của Ya Thảo đã có thể duỗi ra, em nở nụ cười hạnh phúc sau ca mổ (Ảnh: FV).Bác sĩ Tân chia sẻ, sau khi xuất viện, em cần phải thực hiện bài tập mà các chuyên gia vật lý trị liệu Bệnh viện FV hướng dẫn - tập từng bước, từ nhẹ đến mạnh trong suốt một tháng để giúp cánh tay có thể hoạt động bình thường.
Phẫu thuật phục hồi chức năng cánh tay bị bỏng cho bé trai 6 tuổi
Ya Thảo đã vượt qua được thách thức lớn nhất trong điều trị là giải phóng sẹo để có thể hoạt động bình thường. Thách thức tiếp theo đối với cơ thể em và cả bác sĩ là giải quyết các mảng sẹo lồi phì đại vùng ngực, bụng, đùi phải.
Bác sĩ dặn dò Ya Thảo và gia đình trước khi xuất viện (Ảnh: FV).Bác sĩ Tân cho biết, phương pháp điều trị sẹo phì đại, sẹo lồi hiện nay là phối hợp phẫu thuật và điều trị xạ trị nông, đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên trẻ em và phụ nữ có thai không nên sử dụng phương pháp này. Vùng sẹo của Ya Thảo rất rộng, phải tính toán quỹ da để ghép thật kỹ sao cho phù hợp, đủ và đúng. Đơn thuần cắt bỏ sẹo thì nguy cơ sẹo lồi tái phát rất cao, nhất là sẹo vùng ngực vai, thậm chí nguy cơ sẹo to gấp 2, 3 lần so với trước.
Đặc tính sẹo vùng ngực và bụng, đùi phải dễ gây ngứa, gây châm chích; những khi thời tiết thay đổi, trời lạnh hay ẩm ướt gây ngứa, bé gãi nhiều có thể tạo các ổ viêm loét tại chỗ.
"Viêm loét trên nền sẹo phải được chú ý điều trị ngay, nếu không lâu ngày sẽ chuyển hóa thành ung thư. Ngoài ra, sẹo lồi vùng ngực còn căng lên mỗi khi bé hít thở. Đây là nguy cơ khó phục hồi hơn các vùng khác", bác sĩ Tân nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Tân, Ya Thảo sẽ cần thêm thời gian để điều trị sẹo lồi, song trước mắt, nhờ cuộc phẫu thuật do Quỹ Nâng bước tuổi thơ, em đã có thể trở về quê vui chơi chạy nhảy cùng bạn bè và chuẩn bị cho năm học mới.
Đăng thảo luận