16 sinh viên Việt Nam có hai tuần học lý thuyết, thực hành quy trình sản chất chip tại Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan.
Đây là những sinh viên đầu tiên của Việt Nam tham gia khoa học này, đến từ Đại học Quốc gia TP HCM và Bách khoa Hà Nội.
Võ Thiện Nhân, khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết chương trình kéo dài từ ngày 17/7 đến đầu tháng 8 với hai chủ đề lớn là thiết kế chip và thiết kế mạch tích hợp kỹ thuật số, analog.
Như nhiều bạn khác, nam sinh tham gia khóa học với mong muốn "mắt thấy tai nghe" quy trình sản xuất chip hiện đại và cách Đài Loan đào tạo sinh viên. Điều Nhân bất ngờ là nhiều kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành gần với bán dẫn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Hà Lan cũng tham gia.
Đại học Quốc lập Thành Công là một trong 5 trường hàng đầu ở Đài Loan. Khoa học mà Nhân tham gia cũng là khóa thứ ba mà trường tổ chức.
Các học viên tham gia khóa học về bán dẫn tại Đại học Quốc lập Thành Công, tháng 8. Ảnh: Thiện Nhân
Đức Minh, sinh viên khoa Điện tử - Viễn thông, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, nhận xét khóa học cung cấp nhiều kiến thức về các bước sản xuất chip gồm thiết kế, sản xuất, kiểm thử, đóng gói. Nam sinh thấy mới lạ bởi chương trình học trong nước chủ yếu tập trung ở khâu thiết kế.
"Em được vào phòng sạch - nơi chế tạo chip và chứng kiến những công nghệ, máy móc mà trước đó chỉ được xem trên mạng", Đức Minh nói.
Cả hai cho biết chương trình được phía Đài Loan đài thọ vé máy bay, chi phí visa và một phần học phí. Số còn phải đóng khoảng 500-1.000 USD (12,5-25 triệu đồng) mỗi người.
Nhân và các học viên khác trải nghiệm phòng sạch, thiết bị chế tạo chip tại Viện nghiên cứu chất bán dẫn Đài Loan. Ảnh: Thiện Nhân
Trong khóa học, Nhân và Minh được thực hành thiết kế chip trên các thiết bị thiết kế tự động hóa (EDA). Đây là nền tảng quan trọng cho thiết kế mạch tích hợp hiện đại, giúp các em làm quen với quy trình từ thiết kế mạch đến mô phỏng.
Theo Thiện Nhân, khối lượng kiến thức về thiết kế chip được học ở Đài Loan không khác biệt nhiều so với những gì thầy cô ở trường đang giảng dạy. Nhưng sinh viên ở đây dễ được tiếp cận phần mềm thiết kế tiên tiến hơn. Thiết kế chip được chia thành hai lớp, chip kỹ thuật số và chip analog. Ngoài ra, sinh viên được vào các phòng chế tạo, kiểm thử của một số viện nghiên cứu, doanh nghiệp để quan sát, học hỏi trực tiếp.
"Điểm em ấn tượng là tận mắt xem thiết kế của mình được đưa vào sản xuất, cho ra bảng mạch, sau đó thực hiện những bước hậu sản xuất, kiểm tra ưu - nhược điểm của bản thiết kế", Nhân cho biết.
Nhiều đêm, Nhân xin ở lại phòng thí nghiệm để vừa hoàn thành bài tập, vừa học cách sử dụng các phần mềm thiết kế mới. Nam sinh cho hay sẽ cân nhắc về việc du học về ngành bán dẫn.
Học viên tham quan phòng thí nghiệm bán dẫn ở Đại học Quốc lập Thành Công. Ảnh: Đức Minh
Đài Loan hiện cung cấp hơn một nửa số chip bán dẫn cho toàn cầu. Hồi tháng 3, Cơ quan Giáo dục Đài Loan công bố chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, Indonesia và Philippines. Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và trường đại học, sinh viên quốc tế được tài trợ vé máy bay, học phí và sinh hoạt phí 10.000 Đài tệ mỗi tháng (7,7 triệu đồng) để theo các ngành kỹ thuật, bán dẫn.
Học sinh đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, sinh viên chương trình liên kết 2+2 giữa các đại học của Việt Nam và Đài Loan, hoặc ứng viên thạc sĩ, tiến sĩ đều có thể tham gia. Sau khi tốt nghiệp, họ được cấp bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tương ứng với chương trình.
Năm đầu tiên, chương trình dự kiến tuyển 2.000-2.500 sinh viên Việt Nam, có thể nhập học vào tháng 2 hoặc tháng 9.
GS.TS Trần Hòa Hiền, Tham tán Giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM, nhận định với hệ thống sinh thái hoàn chỉnh và nguồn nhân lực dồi dào, Đài Loan có thể hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực thiết kế chip bán dẫn.
Lệ Nguyễn
Đăng thảo luận
2024-10-07 12:05:17 · 来自139.199.156.128回复