Mới đây, anh N.V.T. (50 tuổi, ngụ tại Long An) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng toàn thân và cánh tay bên phải.
Bệnh nhân T. bị bỏng nặng do đốt rác tưới thêm xăng - Ảnh: BS NguyễN TiếN Lộc
Qua thăm hỏi bệnh sử sau tai nạn, được biết khi anh gom rác tại khu vực sinh sống với tâm lý chủ quan, nghĩ rằng đám rác nhỏ, chủ yếu là lá cây rụng và cỏ khô nên anh châm lửa đốt cho thuận tiện. Trong quá trình đốt, nhầm tưởng đám cháy đang tắt dần nên anh T. châm thêm một ít xăng cho lửa bùng lên nhằm đốt hết phần rác còn lại. Không may trong lúc châm xăng, ngọn lửa bắt đầu bùng lên bắt sang quần áo khiến anh bỏng toàn thân.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, người nhà nhanh chóng đưa anh vào cấp cứu tại Bệnh viện Xuyên Á Long An trong tình trạng bỏng rát dữ dội toàn bộ thân trên và cánh tay bên phải.
Các bác sĩ nhận định ban đầu rằng anh T. bị bỏng với diện tích bỏng khoảng 15%, bao gồm các vùng quan trọng như ngực, bụng, lưng và cánh tay phải.
Mức độ bỏng làm tổn thương hết toàn bộ bề mặt da, khiến anh T. đau rát dữ dội. Tình trạng kể trên được nhận định là nghiêm trọng, đòi hỏi xử lý nhanh chóng để ngăn ngừa sốc bỏng - một trong những biến chứng nguy hiểm thường gặp sau bỏng diện rộng.
Ngoài ra, diện tích bỏng trải dài toàn bộ thân trên, là vị trí tiếp xúc với mặt giường khi nằm nên gây đau đớn đáng kể cho người bệnh khi nhân viên y tế thay băng. Việc chăm sóc và điều trị càng khó khăn hơn, cũng như tinh thần của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể vì đau đớn gây mất ngủ và khó xoay trở.
Tại khu vực cấp cứu, các bác sĩ tiến hành sơ cứu tại chỗ, giảm đau mạnh, kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng, đặc biệt là áp dụng các biện pháp dự phòng sốc do bỏng.
Sau khi qua giai đoạn nguy hiểm, anh T. được chuyển vào khoa ngoại cơ xương khớp để tiếp tục theo dõi và điều trị.
BS CKI Triệu Quốc Ngọc - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện này - cho biết: "Bỏng xăng nguy hiểm hơn nhiều so với các loại bỏng thông thường như bỏng dầu ăn hay bỏng nước sôi, vì xăng khi cháy có nhiệt độ rất cao, làm tổn thương sâu đến lớp da, cơ và thậm chí là xương. Quá trình chữa lành vết bỏng xăng thường kéo dài hơn, đặc biệt nếu không được sơ cứu và điều trị đúng cách.
Các vết bỏng diện rộng do xăng có thể gây tổn thương nghiêm trọng như hoại tử phần chi thể bị bỏng hoặc gây co rút da, dẫn đến biến dạng cơ thể và để lại sẹo nặng nề. Đặc biệt, nếu vết thương bị nhiễm khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng máu tăng cao, gây ảnh hưởng đến chức năng của thận và có thể dẫn đến suy đa tạng, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Trước những hậu quả nghiêm trọng do bỏng xăng gây ra, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng các chất dễ cháy như xăng, dầu hỏa hoặc cồn trong sinh hoạt hằng ngày. Trong trường hợp không may bị bỏng, cần nhanh chóng rửa sạch vết thương dưới dòng nước sạch (hoặc ngâm mình trong chậu nước) để hạn chế tối đa tổn thương lan rộng, sau đó cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
Đăng thảo luận