Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng biển mở ra không gian mới để phát triển bền vững kinh tế biển của địa phương.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia.

Thái Thượng là một trong những xã biển của huyện Thái Thụy, có gần 50% dân số trong xã sinh sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển kinh tế biển là mũi nhọn, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Thái Thượng Đỗ Khắc Bằng, cho biết, hiện nay, xã duy trì được 2 đôi tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 400CV; 3 đôi tàu hậu cần nghề cá công suất trên 600CV; 86 tàu, thuyền khai thác tầm trung và ven bờ. Hằng năm, nghề biển của xã đã giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động địa phương, thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/người/tháng. 

Nhờ nâng cao năng lực đánh bắt nên sản lượng khai thác hằng năm đều tăng. Năm 2023, sản lượng khai thác lộng của xã đạt hơn 8.415 tấn, tăng hơn 1.966 tấn so với năm 2022; đạt giá trị hơn 40.914 triệu đồng. Đồng thời, nhờ đầu tư phát triển nghề biển, nhiều ngư dân thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thay đổi diện mạo làng quê vùng biển. 

Bên cạnh khai thác, Thái Thượng cũng có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của xã ước đạt 502 tấn, giá trị sản xuất ước đạt gần 60 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của xã đạt 196ha, trong đó hơn 150ha nuôi tôm, diện tích còn lại là nuôi cá vược, cá song, cua...Trong đó phải kể đến các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Hiện xã có 40ha nuôi tôm công nghệ cao. Từ hình thức nuôi tôm truyền thống, nhiều gia đình đã chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt. Mô hình này tuy có mức đầu tư cao nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao, rủi ro sâu bệnh, thời tiết thấp; trung bình mỗi ha tôm nuôi công nghệ cao có doanh thu đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/năm, thu nhập của người nuôi tôm từ mô hình này cũng tăng cao so với nuôi tôm truyền thống.

Cùng với khai thác, lĩnh vực chế biến thủy sản ở Thái Thượng những năm gần đây cũng khá phát triển. Hiện xã có hơn 15 hộ, cơ sở kinh doanh, chế biến thủy hải sản với các sản phẩm chính như: moi khô, cá khô, mực khô, nước mắm, chả cá, chả tôm, chả mực, tôm nõn….

Thái Thượng sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, hướng tới là ngành kinh tế mũi nhọn của xã, phấn đấu đến năm 2025, giá trị từ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đạt trên 120 tỷ đồng/năm, chiếm 33 - 35% cơ cấu kinh tế của xã. 

Để thực hiện mục tiêu này, Thái Thượng sẽ khuyến khích các ngư dân nâng cấp, đóng mới các tàu cá có công suất từ 200CV trở lên; đồng thời vận động ngư dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Song song đó là tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao. 

Đối với lĩnh vực chế biến thuỷ sản, khuyến khích các cơ sở kinh doanh đầu tư kho lạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm khi vào bờ, từ đó nâng cao chất lượng nguyên liệu cho lĩnh vực chế biến thủy hải sản. 

Thái Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng biển mở ra không gian mới  第1张 Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã chú trọng đầu tư, phát triển ngành thuỷ sản.

Tỉnh Thái Bình có lợi thế ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, đường bờ biển dài 52km, với diện tích vùng biển lớn là điều kiện thuận lợi để Thái Bình thực hiện khát vọng vươn ra biển lớn. 

Thái Thuỵ và Tiền Hải là 2 huyện giáp biển của tỉnh Thái Bình, những năm vừa qua, các xã ven biển của Thái Bình đã tận dụng tiềm năng của địa phương phát triển toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản. Từ phát triển kinh tế biển, đời sống của người dân ở các xã có biển không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Toàn tỉnh hiện có 715 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, tổng sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm 2024 của Thái Bình đạt 134,7 nghìn tấn, tăng 2,8%, ước tính giá trị sản xuất đạt 2.500 tỷ đồng.

Mới đây, Thái Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, trong tương lai, Thái Bình sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển. Đồng thời mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển từ tạo quỹ đất phát triển các khu chức năng quy mô lớn, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ - du lịch đồng bộ, hiện đại, cảnh quan sinh thái, "zero carbon" ven biển hấp dẫn.

Đồng thời, theo Quy hoạch trong diện tích không gian biển của tỉnh được chia thành các vùng chức năng như vùng an ninh, quốc phòng; vùng cảng biển, giao thông biển và logistics; vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; vùng bảo tồn thiên nhiên, lâm nghiệp và nghiên cứu khoa học biển; vùng khai thác tài nguyên biển; vùng khai thác năng lượng tái tạo; vùng phát triển du lịch và dịch vụ biển; vùng lấn biển phục vụ phát triển công nghiệp và phát triển không gian đô thị. 

Song song đó là Quy hoạch cũng đề ra các phương án sử dụng không gian biển như: Xây dựng, nâng cấp các khu vực phòng thủ ven biển; khu bến cảng (cảng Diêm Điền, cảng Trà Lý, cảng Ba Lạt...) và các bến cảng ngoài cửa sông hướng ra biển.

Bên cạnh đó cũng quy hoạch rõ các vùng như vùng sản xuất giống thủy sản; vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, công nghệ cao; khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực nuôi trồng thủy sản xa bờ; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước; khu phát triển điện gió; các khu du lịch biển (khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn, khu du lịch lễ hội đền, phủ thờ bà Chúa Muối,.... 

Ngoài ra, Quy hoạch cũng xây dựng không gian kinh tế - xã hội ven biển nhằm kết nối với các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Hồng phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời gắn kết chặt chẽ với đô thị trung tâm TP Thái Bình, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn tỉnh, mở ra không gian mới phát triển năng động, bền vững.