Nguyễn Thế An, một trong hai thủ khoa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm tuyệt đối, từng đứng đầu khối A01 của tỉnh Bắc Ninh cách đây 4 năm.
An, 22 tuổi, là thủ khoa ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với điểm tổng kết 4/4.
Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết kể từ khi đào tạo tín chỉ (năm 2007), tính điểm theo hệ 4, đây là lần đầu trường có sinh viên đạt điểm tuyệt đối, gồm An và Trần Trung Hiếu ở ngành Điện tử viễn thông.
Nhận được thông báo của trường, An không bất ngờ.
"Mình đã dự đoán được từ trước bởi điểm tất cả môn đều đạt A", An nói.
TS Ngô Văn Linh, giảng viên quản lý lớp, cũng là người hướng dẫn An nghiên cứu khoa học, đánh giá đây là kết quả ấn tượng. Lý do là chương trình ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh, bởi các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế.
"An là sinh viên xuất sắc toàn diện, nhận được sự đánh giá cao từ tất cả thầy cô", thầy Linh nói. "Kết quả này rất xứng đáng và là bước đệm tốt cho những kế hoạch của An trong tương lai".
Nguyễn Thế An. Ảnh: Nhân vật cung cấp
An là cựu học sinh lớp chuyên Toán của trường THPT chuyên Bắc Ninh. Năm 2020, An trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) đạt 29,1. Mức này cao nhất tỉnh Bắc Ninh và đứng thứ 5 cả nước năm đó.
Dù vậy, An không đặt mục tiêu trở thành thủ khoa vì biết học Bách khoa rất nặng và khó. Nam sinh chỉ nghĩ phải cố gắng để giành học bổng của trường.
"Ngành học của mình là chương trình tiên tiến, giảng dạy bằng tiếng Anh nên học phí thuộc nhóm cao nhất trường, khoảng 50 triệu đồng một năm", An cho hay. "Học bổng loại thấp nhất cũng bằng học phí, tiết kiệm được rất nhiều tiền cho bố mẹ".
Có mục tiêu, An học cẩn thận ngay từ đầu. Nam sinh luôn xem tài liệu mà thầy cô gửi trước khi đến lớp, chú ý nghe giảng, đọc và làm bài tập đầy đủ. An cũng ghi chú những kiến thức trọng tâm để học chắc chắn, rồi mở rộng, không để cảnh "nước đến chân mới nhảy" trước mỗi kỳ thi.
"Có những môn lý thuyết, lượng slide lên tới cả nghìn, khá khó để ghi nhớ. Mình phải học trong nhiều tuần, không bỏ phần nào", An nói.
Bằng cách học đó, An đạt điểm tuyệt đối ngay từ học kỳ đầu, giành học bổng khuyến khích học tập loại A, tương đương 1,5 lần học phí.
Thế An (thứ hai từ trái sang) cùng thầy Linh (áo cam) và các bạn trong phòng nghiên cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi phải học những môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, dù học tốt ngoại ngữ này từ thời phổ thông, An gặp khó khăn bởi chỉ cần đôi chút mất tập trung là khó hiểu bài.
"Thời gian đầu, nhiều chỗ không hiểu nhưng mình không dám hỏi ai. Sau mình mạnh dạn hơn, hỏi bạn bè xung quanh trước, từ đó quen và cùng giúp đỡ nhau học tập", An nói.
An không làm thêm mà tập trung vào việc học và tham gia nghiên cứu khoa học. Nam sinh trong nhóm nghiên cứu về Học máy, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo BK.AI từ năm thứ ba. Nam sinh là đồng tác giả hai bài báo đang đợi bình duyệt tại hội nghị quốc tế về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh (NeurIPS 2024). Đây là hội nghị về AI hàng đầu thế giới.
Theo TS Ngô Văn Linh, An rất nghiêm túc, chăm chỉ, chủ động tìm hiểu và đề xuất những ý tưởng mới.
"Khi được giao đề tài, An dành nhiều thời gian để tổng hợp và nghiền ngẫm những bài báo liên quan, tự đặt ra câu hỏi và phân tích ưu nhược điểm của các phương pháp đã có, từ đó đề xuất ý tưởng cải tiến, tạo ra phương pháp mới hiệu quả hơn", thầy Linh nói. "Đây đều là những phẩm chất cần thiết để đi theo nghiên cứu lâu dài".
Hiện An là kỹ sư nghiên cứu tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software AI Center). Chàng trai 22 tuổi dự kiến làm tại đây hai năm, trước khi ứng tuyển học bổng du học bậc tiến sĩ.
"Nhân lực ngành AI đang tăng mạnh nhưng vẫn còn thiếu ở nhóm chất lượng cao. Mình nghĩ đây là con đường để cạnh tranh hơn trong thị trường lao động", An nói.
Đăng thảo luận