Ông Sùng A Lo - bố của tân sinh viên Sùng A Hồng - vượt hơn 200 cây số từ huyện Mường Lát đến thành phố Thanh Hóa dự lễ trao học bổng. Sùng A Hồng xúc động khi bố xuất hiện ở sân khấu.
Các bạn tân sinh viên nhận học bổng có mặt tại Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa chiều 5-10 - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều nay 5-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 80 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 4 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Các khách mời, nhà tài trợ, tân sinh viên dự lễ trao học bổng - Ảnh: NAM TRẦN
Tham dự lễ trao học bổng có ông Trần Văn Thức - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Hồng Phong - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Văn Tuấn - phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Lê Văn Nam - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa.
Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, ông Phan Văn Tâm - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, cùng các đối tác và lãnh đạo các công ty thành viên Công ty cổ phần phân bón Bình Điền.
Về phía báo Tuổi Trẻ có nhà báo Trần Gia Bảo - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo các tỉnh thành gồm anh Đoàn Văn Trường - phó bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, anh Nguyễn Viết Hải Đăng - phó bí thư Tỉnh Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Hà Tĩnh, anh Trần Linh - phó bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An và chị Đinh Thị Giang My - trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh Đoàn Quảng Bình.
80 suất học bổng, mỗi suất trị giá 15 triệu đồng, trong đó có 2 suất đặc biệt trị giá 50 triệu đồng được trao cho các tân sinh viên nghèo của các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình trong lễ trao học bổng này.
Có mặt từ trưa để chờ đón lễ trao tặng học bổng Tiếp sức đến trường khu vực Bắc Trung Bộ của báo Tuổi Trẻ, các tân sinh viên và phụ huynh 4 tỉnh Bắc Trung Bộ không giấu được xúc động.
Tân sinh viên làm tân sinh viên rơi nước mắt
Hai tân sinh viên Sùng A Hồng và Nguyễn Thị Hải trên sân khấu giao lưu của lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: NAM TRẦN
Cả khán phòng như lắng xuống khi xem đoạn phim và phần giao lưu về hoàn cảnh hai tân sinh viên Sùng A Hồng - 21 tuổi, là người dân tộc Mông, ngụ xã Trung Lý, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Hải - ngụ xã Thường Nga, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Học xong lớp 10, Hồng quyết định nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, nhường cho các em đến trường. Sau 3 năm ở nhà, Hồng xin cha mẹ đi học lại.
Vượt khó đến trường, Hồng vừa trúng tuyển và vừa nhập học ngành ngôn ngữ Anh, Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).
"Tôi chọn học ngành này để mai sau về có thể mang con chữ, hiểu biết giúp các em trong bản làng".
Những giọt nước mắt của tình thương và cảm phụcĐỌC NGAY
Còn Nguyễn Thị Hải từ lúc sinh ra đã không biết cha mình là ai. Năm lên 5 tuổi, mẹ cũng bỏ Hải lại cho bà ngoại chăm bẵm để đi tìm cuộc sống mới. Thiếu thốn tình cảm của cha mẹ từ nhỏ, Hải lớn lên nhờ tình yêu thương vô bờ bến của bà.
Cuối năm 2023, bà Phan Thị Châu - bà ngoại Hải - qua đời ở tuổi 73 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Đó cũng là những ngày tháng cuối Hải ôn thi tốt nghiệp THPT.
"Bà mất, khoảng trời của tôi như sụp đổ. Lúc đó tôi rất buồn, cảm giác trống rỗng vô cùng vì nghĩ tới chặng đường sắp tới sẽ chẳng còn ai bên cạnh mình nữa", Hải khóc.
Phía dưới khán phòng, các đại biểu, các tân sinh viên và phụ huynh mắt cũng đỏ hoe khi nghe Hải kể.
"Tôi sẽ đi học tiếp để sau này có thể tự lập cuộc sống của mình", Hải bày tỏ.
Nghe các bạn tân sinh viên chia sẻ, Quách Thị Luyến, cô tân sinh viên Trường đại học Dược Hà Nội, sụt sùi nước mắt. Luyến cho hay bản thân mình đã rất khó khăn nhưng thật không ngờ nhiều bạn còn có hoàn cảnh éo le hơn mình.
"Các bạn ấy là động lực để mình nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để vượt khó, tiếp tục học tập tốt" - Luyến cho hay.
Hai cha con ông Sùng A Lo và Sùng A Hồng ôm chầm lấy nhau tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Sùng A Lo - bố của tân sinh viên Sùng A Hồng - vượt hơn 200 cây số từ huyện Mường Lát đến thành phố Thanh Hóa dự lễ trao học bổng.
Sùng A Hồng xúc động khi bố xuất hiện ở sân khấu nhận học bổng. Hai bố con ôm chầm lấy nhau.
Ông Sùng A Lo xuất hiện với bộ trang phục dân tộc Mông. Trong 11 đứa con của ông, Sùng A Hồng là đứa đầu tiên bước vào giảng đường đại học.
Ông Lo cho hay biết tin con được nhận học bổng, ông vui lắm. Ông đến thành phố để động viên con. "Tôi sẽ cố gắng làm nương, nuôi trâu bò để có tiền cho con đi học cái chữ. Ở bản tôi nghèo quá rồi, không học cái chữ không thoát nghèo được" - ông Lo chia sẻ.
Cuối buổi giao lưu, ban tổ chức dành tặng hai tân sinh viên một món quà bất ngờ: Công ty cổ phần phân bón Bình Điền quyết định dành tặng hai suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/4 năm học cho Sùng A Hồng và Nguyễn Thị Hải.
Sùng A Hồng và Nguyễn Thị Hải nhận 2 phần học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng cho 4 năm học - Ảnh: NAM TRẦN
Sùng A Hồng và Nguyễn Thị Hải là 2 tân sinh viên được nhận suất học bổng đặc biệt từ chương trình Thực hiện: HÀ ĐỒNG - DOÃN HÒA - NHÃ CHÂN - DIỄM HƯỜNG - NHÃ CHÂN
Mẹ nghèo cạo mủ 1ha cao su được có 150.000 đồng: Nhờ người đưa đi coi con nhận học bổng
Bà Nguyễn Thị Vân đến Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa chờ con nhận học bổng - Ảnh: VŨ TUẤN
Bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), nhờ anh em đưa ra thành phố để động viên con gái được nhận học bổng. Bà ngồi đợi ở khuôn viên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa hồi hộp.
"Hắn có học bổng thì giúp đỡ tôi được rất nhiều. Bạn bè của con tôi nhiều đứa đã rút hồ sơ vì không nộp được học phí. Tôi cố gắng cho con đi học để sau này cháu lập nghiệp" - bà Vân nói.
Bà Vân làm nghề cạo mủ cao su thuê ở Như Xuân. Tiền công cạo mủ mỗi cây chỉ vỏn vẹn 300 đồng. Cạo cả 1ha mới được 150.000 đồng. Công việc vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng bà Vân vẫn cố gắng để nuôi con ăn học.
Chồng bà đã mất, ông là cựu chiến binh, ảnh hưởng nặng nề vì bom đạn. Cô con gái Võ Thị Thanh An thương mẹ quyết tâm học tập để sau này đỡ đần mẹ. An đỗ khoa công nghệ thông tin của Đại học Vinh (Nghệ An), khoản tiền cô phải nộp trước khi vào học đã lên tới hơn 20 triệu đồng. Hai mẹ con đi vay khắp nơi. Nghe chuyện con gái bà Vân cạo mủ cao su đỗ đại học, ai cũng mừng cho bà. Mỗi người giúp một, hai triệu. Lo âu vẫn còn đó.
Xôn xao nói cười trên những chuyến xe
Mạc Đức Tôn, sinh viên Đại học Y Hà Nội, quê ở Tương Dương, Nghệ An - Ảnh: NAM TRẦN
Dù 15h mới diễn ra lễ trao, từ trưa 5-10, nhiều bạn tân sinh viên và phụ huynh đã có mặt sớm để chờ nhận học bổng. Trên chuyến xe chung từ Hà Nội về, hai bạn Mạc Đức Tôn (quê xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Nguyễn Văn Hùng (quê xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vừa kịp làm quen nhau, tíu tít trò chuyện.
"Biết tin mình được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, cả tôi và Hùng đều rất vui. Đây là nguồn động viên lớn để chúng tôi vào đại học", Tôn bộc bạch.
Từ nhỏ, Tôn đã thiếu vắng tình thương của cha mẹ và sống nương nhờ ông bà nội đã già yếu. Tôn sinh ra và lớn lên ở bản làng vùng cao xa xôi Nghệ An. Khát khao đến trường tìm con chữ thôi thúc cậu học trò dân tộc Thái nỗ nực không ngừng nghỉ và thi đỗ vào Trường đại học Y Hà Nội. Để cháu đi học tiếp, ông bà của Tôn phải bán đi con trâu duy nhất.
"Tôi ước mơ trở thành bác sĩ về chữa bệnh cho bà con dân bản vì ở quê tôi điều kiện y tế còn khó khăn", Tôn chia sẻ.
Cô giáo ôn thi học sinh giỏi của Tôn động viên cậu thi vào khoa tâm lý học của Đại học Y Hà Nội. Tôn là một trong những sinh viên trường y đầu tiên ứng tuyển khối C. Tiền học phí đầu năm cũng là cô giáo giúp. Hôm nay nhận được học bổng, Tôn bớt được một gánh lo.
"Tôi như được tiếp thêm động lực để tiếp tục trên con đường học tập của mình. Tôi rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ, các nhà tài trợ đã hỗ trợ mình trong lúc khó khăn này" - Tôn nói.
Gần một năm trước, bà Nguyễn Thị Thiện - mẹ Hùng - gặp tai nạn giao thông gãy hai chân, phải nằm một chỗ. Nguồn sống của cả gia đình phụ thuộc vào những ngày đi làm thợ xây của cha Hùng. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hùng tính bỏ học để phụ cha mẹ. "Học bổng này sẽ giúp tôi lo được học phí ban đầu. Tôi đang kiếm việc làm thêm để theo đuổi ước mơ".
Mẹ đơn thân nuôi 2 con đại học mừng rơi nước mắt
NGÔ HOÀNG ÁNH - tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân - đến buổi trao học bổng - Thực hiện: DƯƠNG LIỄU - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN
Bà Chu Thị Huyền - ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) - đưa cô con gái út Ngô Hoàng Ánh đến Thanh Hóa từ sớm. Mấy hôm trước, nghe tin con gái được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, bà Huyền vui không cầm nổi nước mắt. Bà bắt xe khách ra Hà Nội, ở với con gái một hôm rồi hai mẹ con đón xe về Thanh Hóa nhận học bổng.
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi Trẻ, bà Huyền xúc động cho hay hai năm trước, chồng bà qua đời vì COVID-19, một mình bà nuôi hai con cùng học Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Cô chị đã học năm thứ hai, cô em năm nay vào năm nhất.
Khi biết tin ước mơ đỗ đại học kinh tế của con gái trở thành hiện thực, bà Huyền vừa mừng vừa lo. Bà chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền cho con gái nộp các khoản đầu năm. Bà cố gắng để con được đi học, được thực hiện ước mơ. "Tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết nói hai chữ cảm ơn! Cảm ơn chương trình!", bà Huyền xúc động.
Cô tân sinh viên Ngô Hoàng Ánh nắm chặt tay mẹ chờ đợi đến lúc chương trình được tổ chức. Ánh mơ ước được học Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ánh thương mẹ một mình nuôi hai chị em học đại học, hoàn cảnh gia đình lại chẳng dư dả gì. Ánh chia sẻ, cảm xúc của cô lúc này là hạnh phúc. Có học bổng Ánh sẽ không phải lo tiền học phí của kỳ học tiếp theo.
"Được nhận học bổng em rất vui vì món quà này giúp em tiếp tục hành trình học tập tại ngôi trường mà em mơ ước. Em rất hạnh phúc và cảm ơn chương trình rất nhiều!", Ánh nói.
Các bạn sinh viên điền thông tin làm thủ tục ngân hàng để nhận học bổng - Ảnh: NAM TRẦN
Tỉnh Đoàn Nghệ An giúp sinh viên đăng ký hồ sơ xét học bổng
Anh Trần Linh - phó bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An - cho hay bên cạnh kênh đăng ký online của báo Tuổi Trẻ, Tỉnh Đoàn Nghệ An giao cho các phòng, ban chuyên môn tìm kiếm, hướng dẫn thêm những học sinh học giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bạn không có máy móc để đăng ký, Tỉnh Đoàn sẽ giúp.
"Chúng tôi lập danh sách và theo dõi. Những bạn đã được nhận học bổng nhưng hoàn cảnh vẫn còn khó khăn thì chúng tôi tiếp tục tìm cách giúp đỡ. Chúng tôi cố gắng kết nối để các bạn không bị bỏ lại phía sau, không vì hoàn cảnh nghèo khó mà không tiếp tục được đến trường" - anh Linh nói.
Chuyến xe vượt 350km đưa tân sinh viên Quảng Bình đi nhận học bổng
Các tân sinh viên Quảng Bình nhận học bổng tới dự buổi lễ - Ảnh: NAM TRẦN
Vượt quãng đường rất dài, chuyến xe do Tỉnh Đoàn Quảng Bình tổ chức đã đưa các bạn tân sinh viên về tới Thanh Hóa nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Các anh chị Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã hết lòng hỗ trợ các bạn. Năm nay, tỉnh có 16 bạn nhận học bổng đều có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mồ côi mẹ, người thân bệnh tật.
Tân sinh viên Quảng Bình vượt 350km tới Thanh Hóa dự lễ trao học bổng - Ảnh: GIÁNG MY
Anh Đặng Đại Bàng - bí thư Tỉnh Đoàn - chia sẻ: Nhiều vùng đất Quảng Bình chịu thiên tai mưa lũ hằng năm, có nhiều gia đình nghèo khó không có điều kiện cho con cái học hành, phải dang dở. Mỗi mùa thi đi qua, các cơ sở Đoàn đều báo cáo các trường hợp tân sinh viên gặp khó và thật may khi báo Tuổi Trẻ đã có học bổng Tiếp sức đến trường.
"Chúng tôi rất trăn trở khi đọc hồ sơ xin được nhận học bổng của các bạn, không chỉ hoàn cảnh éo le mà còn là nghị lực vượt khó, muốn thay đổi đời mình. Học bổng đến với các bạn rất ý nghĩa và kịp thời. Nhiều bạn nhận học bổng các năm trước đã trưởng thành, quay về địa phương công tác ở nhiều vị trí khác nhau", anh Bàng nói.
Chị Đinh Thị Giang My - trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh Đoàn Quảng Bình - cho biết sau khi có kết quả các bạn được học bổng, Tỉnh Đoàn đã thuê một chuyến xe đưa sinh viên ra Thanh Hóa. "Đi đường xa tuy hơi mệt nhưng em nào cũng rất phấn khởi. Thật vui mừng", chị My nói.
11 bạn tân sinh viên Quảng Bình nhận học bổng đã có mặt tại buổi lễ - Ảnh: NAM TRẦN
11 tân sinh viên ở Quảng Bình đi hơn 6 tiếng đồng hồ đến TP Thanh Hóa nhận học bổng Tiếp sức đến trường - Thực hiện: DƯƠNG LIỄU - NAM TRẦN - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Gia Bảo: Các bạn lan tỏa tình yêu và sự cảm phục trong cộng đồng
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Gia Bảo - Ảnh: NAM TRẦN
Phát biểu tại buổi lễ, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Gia Bảo nhắc tới câu chuyện của hai bạn tân sinh viên Sùng A Hồng (quê xã Mường Lát, Thanh Hóa) và Trần Văn Dũng (Nghệ An) tuy có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vượt lên chính mình bằng tình thương, sự san sẻ của thầy cô, bè bạn.
Trong hành trang các bạn tới giảng đường đem theo những chén gạo mẹ đong vào túi, mụt măng bố hái trên nương, là ít bộ quần áo, đèn học và cả chiếc quạt cũ hỏng vừa được sửa lại… Các bạn còn gói ghém cả tình yêu gia đình, quê hương bản làng, lòng quyết tâm và khát vọng.
"Hình ảnh của các bạn khiến cho trái tim chúng tôi không khỏi thổn thức vì cảm động và yêu thương. Chúng tôi cảm phục về sự lạc quan, nghị lực, quyết liệt chinh phục kho tàng tri thức biến ước mơ thành hiện thực.
Các bạn đang lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng và để lại trong lòng các cô chú, anh chị nhà hảo tâm, để lại trong lòng chúng tôi, những người thực hiện chương trình học bổng Tiếp sức đến trường niềm xúc động và tự hào", bà nói.
Theo nhà báo Trần Gia Bảo, chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ không chỉ dừng lại ở những hỗ trợ về vật chất bằng suất học bổng, chỗ ở, việc làm cho tân sinh viên mà mang đến cho sinh viên nghèo những ân tình, là sự động viên tinh thần vô giá, giúp các bạn thêm tự tin bước vào giảng đường đại học và thay đổi số phận.
"Đừng bao giờ chấp nhận buông xuôi dù hành trình phía trước của các bạn sẽ còn rất nhiều gian khó. Nhất định các bạn sẽ thành nhân - thành tài, là niềm tự hào của gia đình và xã hội", chị nhắn nhủ.
Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Thức: Đừng phụ lòng xã hội đã chia sẻ với các em
Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Thức - Ảnh: NAM TRẦN
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Thức nhắn nhủ tân sinh viên: "Hãy cố gắng học thật tốt để không phụ lòng những gì xã hội đã sẻ chia, trao gửi ân tình. Các em sinh viên nhận học bổng hôm nay, mai sau có nhiều đóng góp cho xã hội, quay trở lại tiếp sức cho đàn em cùng hoàn cảnh như mình, góp phần lan rộng gia đình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ. Hãy kiên trì, quyết tâm trau dồi bản thân, tiếp cận tri thức mới, hiện đại để sau này góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn", ông Thức nhắn nhủ.
Ông Thức chia sẻ, ngành giáo dục và đào tạo cũng cam kết đồng hành cùng chung tay với các đơn vị để chương trình "Tiếp sức đến trường" tiếp tục trở thành hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo động lực mạnh mẽ cho sinh viên nghèo vượt khó.
Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - đơn vị tài trợ học bổng: Bình Điền hỗ trợ bước đầu, các bạn hãy nỗ lực thực hiện ước mơ
Ông Ngô Văn Đông, tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền - Ảnh: NAM TRẦN
Phát biểu tại lễ trao học bổng, ông Ngô Văn Đông khẳng định hàng triệu tình yêu thương sẽ như "làn sóng" cùng hỗ trợ các bạn tân sinh viên.
Nhắc về thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 đến các tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, ảnh hưởng đến việc học hành của các bạn tân sinh viên, ông cho hay Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã tổ chức nhiều chuyến hàng cứu trợ về phân bón, giống cây trồng… giúp bà con trồng trọt, tạo sinh kế.
"Chúng tôi biết đến các bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng hết sức có nghị lực. Chính các bạn đã truyền cảm hứng, làm chúng tôi rất xúc động và sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận cùng đất nước phát triển. Từ đó lan tỏa tình yêu thương, tấm lòng đến với tấm lòng", ông Đông bày tỏ.
Năm 2024, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền trao 8 tỉ đồng cho chương trình học bổng Tiếp sức đến trường.
Ông Ngô Văn Đông, tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, trao biển tượng trưng khoản tài trợ 8 tỉ đồng cho học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 - Ảnh: NAM TRẦN
Chia sẻ của ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, chủ tịch Quỹ Đồng hành nhà nông - Thực hiện: DƯƠNG LIỄU - NAM TRẦN - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN
Ông Ngô Văn Đông và nhà báo Trần Gia Bảo trao học bổng và quà cho tân sinh viên - Ảnh: NAM TRẦN
80 suất học bổng được trao cho các tân sinh viên nghèo của các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình trong lễ trao học bổng này - Ảnh: NAM TRẦN
Đây là điểm trao thứ 3 của học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 - Ảnh: NAM TRẦN
Trong lễ trao học bổng tại Thanh Hóa, có 2 tân sinh viên được nhận suất học bổng đặc biệt và 4 tân sinh viên được tặng lapop - Ảnh: NAM TRẦN
Buổi trao học bổng dành cho các tân sinh viên khó khăn của 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình - Ảnh: NAM TRẦN
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,2 tỉ đồng (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ đi lại, ăn ở và quà tặng từ chương trình) do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ - Ảnh: NAM TRẦN
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 balo trị giá khoảng 250 triệu đồng; Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng; Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,2 tỉ đồng (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ đi lại, ăn ở và quà tặng từ chương trình) do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ.
Đây là điểm trao thứ ba trong chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2024 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 592 của báo Tuổi Trẻ.
Chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2024 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng.
Đăng thảo luận