Người dùng Internet tại Trung Quốc có thể tạo ID ảo để dùng dịch vụ nhằm tránh lộ thông tin cá nhân, nhưng gây lo ngại nguy cơ bị kiểm soát.
Đề xuất về chương trình thử nghiệm danh tính ảo trên không gian mạng - Cyberspace ID được Bộ Công an và Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc CAC đưa ra cuối tháng 7, nhưng đang sự chú ý sau khi hàng loạt nền tảng lớn tại nước này bắt đầu thử nghiệm và nhận những ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.
Một người dùng di động trước một cửa hàng điện thoại ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Lưu Quý
Theo dự thảo, người dùng dịch vụ Internet sẽ thông qua nền tảng Xác thực danh tính mạng quốc gia NNIA của Trung Quốc để tạo một ID ảo, gồm một chuỗi chữ cái và chữ số cùng một "chứng chỉ không gian mạng". Nền tảng sẽ liên kết ID ảo với danh tính thực bằng cách yêu cầu họ quét thẻ căn cước gắn chip, quét khuôn mặt và liên kết tài khoản với số điện thoại.
Người dùng sau khi có ID ảo sẽ có thể dùng để xác thực các dịch vụ trực tuyến. Theo cơ quan quản lý, việc này giúp "giảm tình trạng thu thập và lưu trữ quá mức thông tin cá nhân trên các nền tảng Internet". Việc đăng ký sử dụng ID ảo cũng được thực hiện "trên cơ sở tự nguyện".
Theo The Register, dự thảo được đưa ra sau gần một thập kỷ các dịch vụ tại Trung Quốc yêu cầu người dùng phải khai báo danh tính thực, tạo ra một lượng dữ liệu lớn. Từ 2017, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại đây được yêu cầu thu thập tên thật và số CMND khi khách hàng đăng ký dịch vụ. Người tham gia các trang mạng xã hội như Weibo và WeChat cũng phải xác thực tài khoản bằng giấy tờ tùy thân. Hơn một tỷ người dùng Internet tại nước này đã cung cấp nhiều thông tin cá nhân khác nhau cho các nền tảng trực tuyến lớn.
Trang Nikkei dẫn lời Lester Ross, đại diện một công ty luật tại Bắc Kin, rằng dự thảo sẽ cho phép các cơ quan quản lý nhà nước thu thập thông tin cá nhân mà không chia sẻ với các nền tảng Internet. "Việc này giải quyết một số lo ngại phổ biến về tình trạng thu thập dữ liệu quá mức và bảo vệ quyền riêng tư, trong khi cơ quan quản lý nhà nước vẫn có quyền truy cập vào danh tính thực", Ross nói.
Một chuyên gia giấu tên cho rằng mục đích của cách làm này có thể là nhằm kiểm soát toàn diện đối với quyền truy cập Internet. Theo đó, thay vì yêu cầu các nền tảng trên mạng cung cấp thông tin về người dùng, cơ quan quản lý có thể tiếp cận trực tiếp vào hoạt động trực tuyến của bất kỳ ai. Một hệ thống giám sát tập trung có thể theo dõi và phân tích toàn diện dấu vết trực tuyến của một cá nhân.
Lao Dongyan, giáo sư luật của Đại học Thanh Hoa, phản đối đề xuất này, cho rằng ID ảo sẽ cho phép cơ quan chức năng biết mọi dấu vết mà cá nhân để lại trên Internet, bao gồm cả lịch sử duyệt web. Ngoài ra, bà Dongyan lo ngại chứng chỉ không gian mạng sẽ biến việc sử dụng Internet thành một đặc quyền mà người dùng có thể phải xin được cấp phép.
Ngoài ra, cách làm trên cũng tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân. Theo The Register, tình trạng này từng xảy ra với Aadhar, một chương trình nhận dạng sinh trắc học quốc gia của Ấn Độ, được sử dụng cho nhiều dịch vụ của chính phủ, ngân hàng và mạng di động. Năm 2023, thông tin Aadhar của 815 triệu người Ấn Độ đã được rao bán trên dark web của giới hacker.
Dự thảo về ID ảo sẽ được các cơ quan quản lý Trung Quốc thu thập phản hồi của công chúng đến ngày 25/8. Đến nay, hơn 50 ứng dụng tại Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm chấp nhận ID ảo, như Tencent, Alibaba, ByteDance.
Lưu Quý
Đăng thảo luận