Tuyển người Việt đòi bằng cấp cao, lao động nước ngoài không cần trình độ
(Dân trí) - Khi đăng tuyển lao động người Việt Nam vào vị trí cần tuyển người nước ngoài, doanh nghiệp đều đòi hỏi trình độ cao. Nhưng khi tuyển lao động nước ngoài vào vị trí ấy lại không cần trình độ.
Tuyển lao động nước ngoài không cần trình độ
Chiều 26/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức Hội nghị trao đổi các quy định về sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Cán bộ phụ trách nhân sự của hơn 200 đơn vị tham dự hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).
Phát biểu khai mạc, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết năm 2024 áp dụng một số quy định mới nên có doanh nghiệp chưa nắm bắt được, chưa làm đúng và gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục đăng ký sử dụng lao động là người nước ngoài.
Do đó, Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức hội nghị này nhằm triển khai những quy định mới, giải đáp những tình huống khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục.
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trình bày các quy định mới, những nội dung cần lưu ý và giải đáp các vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp hay gặp phải.
Trong đó, bà Thanh Trúc nhấn mạnh đến quy trình đăng tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động là người nước ngoài áp dụng từ đầu năm 2024.
Bà Trần Lê Thanh Trúc giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp (Ảnh: Tùng Nguyên).
Theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP, khi có nhu cầu tuyển dụng lao động người nước ngoài, người sử dụng lao động phải đăng tuyển công khai thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài.
Sau 15 ngày đăng tuyển công khai mà không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí trên, người sử dụng lao động mới làm báo cáo giải trình xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài gửi cơ quan chức năng.
Lỗi mà doanh nghiệp hay gặp phải là thông tin đăng tuyển lao động trên Cổng thông tin Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố so với giải trình sử dụng lao động không trùng khớp, dẫn đến bản giải trình không hợp lệ.
Theo bà Thanh Trúc, khi doanh nghiệp đăng tuyển yêu cầu trình độ là đại học, nhưng khi giải trình thì tuyển lao động nước ngoài chỉ có trình độ cao đẳng là không được chấp nhận vì thông tin không thống nhất với nhau.
Thậm chí, có doanh nghiệp sau khi đăng tuyển công khai 15 ngày, làm giải trình nhu cầu lao động rằng không tuyển được lao động Việt Nam vào vị trí công việc này rồi đề nghị tuyển lao động nước ngoài không cần trình độ.
Theo bà Trúc, giải trình như trên là không được chấp nhận. Vì phần trình độ để chứng minh năng lực của lao động nước ngoài mà doanh nghiệp muốn tuyển. Nếu không cần trình độ mà không tuyển được lao động Việt Nam vào vị trí công việc đó thì không hợp lý.
Nghị định 70 tạo điều kiện tuyển dụng người Việt Nam
Đại diện một doanh nghiệp may mặc ở Khu công nghiệp Tân Bình cho biết có lao động nước ngoài làm quản lý tại công ty từ năm 2005, người này không có bằng cấp thể hiện trình độ nhưng có kinh nghiệm lâu năm nên doanh nghiệp vẫn muốn tuyển họ vào vị trí này. Do đó, việc đăng tuyển chỉ là làm theo quy định để doanh nghiệp làm giải trình, đăng ký cấp giấy phép lao động cho lao động trên.
Các doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).
Bà Thanh Trúc cho biết, theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp phải giải trình lý do vì sao sử dụng lao động nước ngoài mà không sử dụng lao động Việt Nam. Nếu doanh nghiệp chỉ yêu cầu kinh nghiệm mà không cần bằng cấp, chứng chỉ thì sẽ không lý giải được tại sao người Việt Nam không đáp ứng được.
"Có doanh nghiệp lấy câu chuyện ngoại ngữ để giải thích, nhưng người nước ngoài sang Việt Nam thì họ có biết tiếng Việt không? Họ biết tiếng mẹ đẻ của họ chứ đâu phải họ biết ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 mà mình giải thích là người Việt Nam thua ngoại ngữ so với người nước ngoài?", bà Thanh Trúc nhấn mạnh.
Do đó, bà Thanh Trúc hướng dẫn cán bộ phụ trách nhân sự tại các đơn vị cung cấp đầy đủ các thông tin, quy định của Việt Nam để người nước ngoài có nhu cầu làm việc tại nước ta chuẩn bị, cung cấp giấy chứng nhận, bằng cấp… khi làm giải trình cho phù hợp.
Phát biểu kết luận, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết hội nghị đã nhận được 22 lượt phát biểu trực tiếp với 46 câu hỏi được giải đáp. Với những đại biểu chưa kịp đặt câu hỏi, phòng ban chuyên môn sẽ ghi nhận và trả lời bằng văn bản.
Về vấn đề tuyển dụng lao động Việt Nam vào các vị trí cần tuyển lao động nước ngoài, bà Lượng Thị Tới đề nghị phụ trách nhân sự tại các đơn vị: "Người Việt Nam chúng ta trình độ chuyên môn hiện nay không phải là thấp. Vì thế, nếu có điều kiện tuyển dụng thì chúng ta đăng tin, tạo điều kiện tuyển dụng người Việt Nam, không tuyển dụng được lao động Việt Nam thì mới tuyển dụng người nước ngoài".
"Chúng ta chỉ ưu tiên tuyển người nước ngoài với những vị trí chuyên môn kỹ thuật cao mà người Việt Nam không đáp ứng được, nhất là với những ngành nghề mà thành phố ưu tiên phát triển", bà Tới nhấn mạnh.
Bà Lượng Thị Tới đề nghị cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp tạo điều kiện tuyển dụng lao động Việt Nam (Ảnh: Tùng Nguyên).
Theo báo cáo tình hình tuyển dụng lao động theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP của Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM, từ ngày 1/1 đến 31/8, đơn vị đã tiếp nhận thông báo từ 5.671 doanh nghiệp đăng tin cần tuyển dụng lao động Việt Nam chất lượng cao vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài.
Tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên là 14.969 vị trí việc làm. Tuy nhiên, thống kê của Trung tâm cho thấy chỉ có 1.034 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển và vẫn chưa có người nào trúng tuyển vào làm việc tại các vị trí việc làm trên.
Đăng thảo luận