Tân Tổng thư ký NATO, ông Mark Rutte, đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine và bày tỏ không lo ngại về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, khẳng định ông có thể hợp tác với bất kỳ ứng viên nào thắng cử.
Cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, nay là tân tổng thư ký NATO - Ảnh: REUTERS
Ông Mark Rutte chính thức tiếp quản vị trí tổng thư ký NATO từ ông Jens Stoltenberg, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
"Tôi tin rằng chúng ta cần đảm bảo Ukraine vẫn là một quốc gia có chủ quyền, độc lập và dân chủ", ông Mark Rutte chia sẻ với báo giới tại trụ sở NATO ở Brussels ngày 1-10.
Cuộc chiến tại Ukraine đã đưa NATO - được thành lập vào năm 1949 - trở lại làm trung tâm của các vấn đề quốc tế.
Ông Rutte cũng giảm nhẹ những lo ngại trong nội bộ về kết quả của cuộc bầu cử tại nước dẫn đầu liên minh là Mỹ. Ông nói: "Tôi không lo lắng. Tôi biết rõ cả hai ứng viên".
"Tôi đã làm việc với Donald Trump trong bốn năm. Ông ấy chính là người đã thúc đẩy chúng ta tăng cường chi tiêu quốc phòng và ông đã thành công. Hiện tại, mức chi tiêu của chúng ta cao hơn nhiều so với khi ông ấy nhậm chức", ông Rutte chia sẻ thêm.
"Kamala Harris có thành tích xuất sắc trong vai trò phó tổng thống. Bà ấy là một nhà lãnh đạo được kính trọng, vì vậy tôi tin chắc rằng mình có thể hợp tác với cả hai", ông nói.
Các quan chức và nhà ngoại giao NATO kỳ vọng rằng cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ tiếp tục duy trì các ưu tiên của người tiền nhiệm Stoltenberg, đó là: kêu gọi sự ủng hộ đối với Ukraine, thúc đẩy các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng và đảm bảo sự dẫn đầu của Mỹ.
NATO thách thức lằn ranh đỏ của ông Putin, nhiều kịch bản đáng lo
NATO chính thức lên tiếng: Ukraine có quyền đánh vào Kursk
Ông Jens Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, đã rời chức sau một thập kỷ đầy biến động, với đỉnh điểm là cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào năm 2022.
Trong bối cảnh đó, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập lâu đời để gia nhập NATO và hưởng lợi từ điều khoản phòng thủ tập thể của liên minh, trong đó quy định một cuộc tấn công vào nước thành viên sẽ được coi là tấn công vào tất cả.
Cuộc chiến này cũng khiến NATO triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ đến phía đông và cải tổ triệt để các kế hoạch phòng thủ hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Mặc dù các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh rằng NATO là một liên minh phòng thủ, Matxcơva từ lâu đã coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh của Nga.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ông Mark Rutte là thuyết phục các thành viên NATO đóng góp thêm nhân sự, vũ khí và chi tiêu để hiện thực hóa các kế hoạch phòng thủ mới.
"Chúng ta cần làm nhiều hơn trong việc tăng cường phòng thủ và răn đe tập thể. Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn, khắc phục các lỗ hổng năng lực và đạt được các mục tiêu mà NATO đã đề ra", ông Rutte nói.
Điện Kremlin nói gì về lãnh đạo mới NATO?
Cũng trong ngày 1-10, Điện Kremlin cho biết họ không mong đợi bất kỳ thay đổi chính sách nào từ lãnh đạo mới của NATO.
"Kỳ vọng của chúng tôi là NATO sẽ tiếp tục hoạt động theo cùng một hướng mà nó đã hoạt động", người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói với báo giới, đồng thời thêm rằng Tổng thống Vladimir Putin biết rõ ông Rutte từ các cuộc họp trong quá khứ.
Đăng thảo luận